Ngày 25/1, trả lời báo phóng viên về trường hợp 3 cán bộ hải quan bị đề nghị truy tố hình sự vì cố ý làm trái nhưng sau đó thoát tội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cam kết: Tổng cục sẽ lập Hội đồng xử lý và sớm thông tin rộng rãi.
Cụ thể, ba cán bộ hải quan được nhắc đến là Tống Đức Tiến, Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu thuộc quyền quản lý của Cục Hải quan Đà Nẵng và Cục Hải quan TP.HCM.
Năm 2014, các đối tượng bị Cục Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố vì tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại các Điều 153, 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 sau khi làm rõ hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, sau đó Bộ luật hình sự mới sửa đổi 2015 và 2017, tội danh của các đối tượng trên đã giảm nhẹ, không thuộc diện truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với tính chất cố ý, mức độ nghiêm trọng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu các Cục hải quan địa phương nói trên có biện pháp xử lý trách nhiệm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn trả lời thẳng thắn: “Cả 2 vụ án trên đều là do ngành hải quan điều tra và kiến nghị cơ quan Cảnh sát điều tra tìm cho ra được sự móc nối của cán bộ ngành Hải quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Về sự thay đổi quy định pháp luật, ông Cẩn cho biết: "Hiện đã có quyết định không khởi tố nên chúng tôi sẽ thành lập Hội đồng xử lý, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi cho cơ quan truyền thông và dư luận được biết”.
Thông tin thêm về giảm biên chế cán bộ của ngành hải quan khi ngành này đang áp dụng hải quan điện tử mức độ cao, nhiều khâu, công đoạn được điện tử hoá.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết: "Trong suốt 6 năm trở lại đây ngành hải quan không được tăng thêm một biên chế nào".
Ông này cho biết: Theo quy định, hiện ngành hải quan vẫn đang phải thực hiện “ra 2 vào 1”, tức là cứ có 2 người nghỉ chế độ thì mới có thêm một người được vào và phải đảm bảo giảm biên chế mỗi năm đạt 1,5%.
Liên quan đến việc 3 cán bộ hải quan của Đà Nẵng, TP.HCM cố ý làm trái quy định của ngành, tiếp tay cho buôn lậu hàng nghìn lốp ô tô cũ tạm nhập về Việt Nam nhưng không tái xuất, tiêu thụ trong nước.
Cụ thể các đối tượng Nguyễn Anh Kiệt, công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 và Trương Ngươn Hậu, công chức hải quan Chi cục hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 4 và Tống Đức Tiến - cán bộ hải quan Đà Nẵng đã bị C46 đề nghị khởi tố điều tra vì tiếp tay cho số lốp cũ nhập lậu được tiêu thụ trót lọt tại Việt Nam.
Theo quy định khi tiếp nhập thông tin, công chức hải quan phải có trách nhiệm lập và theo dõi hồi báo khẩu xuất (fax biên bản giao nhận hàng hóa đến cửa khẩu tái xuất và kiểm tra hồi báo) theo quy định. Tuy nhiên, các đối tượng trên đều không thực hiện quy định.
Việc không thực hiện trách nhiệm của ba cán bộ hải quan đã khiến hàng nghìn lốp ô tô qua sử dụng được tiêu thụ tại nội địa với số tiền từ 1,2 đến 5,3 tỷ đồng/lô.
Dù bị C46 đề nghị khởi tố theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 1999 nhưng theo Luật mới, các đối tượng trên được xử lý theo hướng có lợi, thoát án hình sự.
Thấy hành vi cố tình và vi phạm quy định ngành gây hậu quả lớn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu Cục Hải quan Đà Nẵng, Cục Hải quan TP.HCM xử lý trách nhiệm về ngành đối với các cán bộ hải quan nói trên.
(Theo Dân trí)