Qua báo chí tôi được biết một số cán bộ thoái hoá biến chất tham gia bảo kê cho các đường dây đánh bạc online. Vậy những người này phạm tội gì và có thể bị xử phạt như thế nào?
Ảnh minh họa |
Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Việc các cán bộ thoái hoá biến chất tham gia bảo kê cho các đường dây đánh bạc online, tuỳ từng trường hợp có thể bị truy tố với các tội danh sau:
1. Trong trường hợp những cán bộ có tham gia bàn bạc, phân công nhiệm vụ, lợi ích với những người khác trong việc tổ chức và hoạt động của đường dây đánh bạc thì những người này có thể bị truy tố về tội "Tổ chức đánh bạc" theo quy định tại Điều 322 Bộ Luật Hình Sự, cụ thể:
"Điều 322: Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.".
2. Trong trường hợp những cán bộ không tham gia bàn bạc trước với những người tổ chức đường dây đánh bạc nhưng có nhận lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất) của những người này để không điều tra, xử lý hành vi tổ chức đánh bạc thì những cán bộ cán bộ này có thể bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ Luật Hình Sự, cụ thể:
"Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này."
3. Trong trường hợp những cán bộ cán bộ trên không tham gia bàn bạc cũng không nhận bất kỳ lợi ích nào (vật chất hoặc phi vật chất) từ những người tổ chức đánh bạc thì họ vẫn có thể bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ Luật Hình Sự, cụ thể:
"Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng."
Trên đây là một số trường hợp có thể áp dụng đối với hành vi vi phạm của các cán bộ thoái hoá biên chất trong đường dây đánh bạc online. Tuỳ thuộc vào kết quá điều tra xác minh của các cơ quan tố tụng mà những bị can, bị cáo có thể bị truy tố và xét xử với tội danh thích hợp.
Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; SĐT: 0986663459
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc
Bị bắt khi đánh bạc với 330.000 đồng: phạt ra sao?
Tôi bị chồng án đánh bài lần hai trong vòng 1 năm với số tiền bị bắt là 330.000 đồng. Trong cỗ bạc có 1.000.000 đ. Vậy tôi xin hỏi mức vi phạm này xử phạt thế nào?
Con muốn tố giác bố vì tội đánh bạc, chiếm đoạt tài sản
Ba em mượn xe máy của người thân đem cầm cố được khoảng 20 triệu lấy tiền đánh bạc. Hiện ba em đã bỏ trốn không liên lạc được.
Đang hưởng án treo thì tái phạm tội đánh bạc
Em đang trong giai đoạn thụ án treo 3 năm và 7 năm thử thách vì tội đánh bạc nhưng vừa rồi lại tái phạm, trên bàn bạc lúc bị bắt là 1.2 triệu đồng.