Lâu nay, nhiều quy định làm cho không ít doanh nghiệp phải nửa khóc nửa cười trong quá trình triển khai khi gặp phải tình trạng: trên bảo dưới không nghe.
Nằm trong chương trình sửa đổi, bổ sung các dự án luật, Dự thảo Luật doanh nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận quyền của doanh nghiệp “Tự do kinh doanh các ngành, nghề mà Luật không cấm” (Điều 7). Dự thảo Luật đầu tư sau nhiều lần chỉnh sửa cũng đã rút xuống còn 6 ngành nghề đầu tư kinh doanh bị cấm (Điều 6). Ngoài ra, dự thảo Luật đầu tư cũng đã luật hóa các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện một cách rất chi tiết tại các phụ lục. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan lập pháp sẽ quyết liệt tuyên chiến với nạn “loạn cấm”, “loạn điều kiện” như hiện nay.
Nhưng vẫn còn đó những vấn đề mà nếu không quan tâm giải quyết triệt để thì sự thông thoáng, cởi mở, và nhất là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính vẫn chỉ là “đầu voi đuôi chuột” mà thôi.
Vẫn còn nhiều tầng lớp giấy phép con
Ảnh minh họa: dantri.com |
Tuy nhiên, trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh phải có giấy phép, chấp thuận hoặc xác nhận trước khi tiến hành hoạt động (Phụ lục 4) của Dự thảo luật đầu tư vẫn “đầy ắp” ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thậm chí có những ngành nghề rất khó để hiểu tại sao lại có mặt trong danh mục này như: Vận tải đường bộ VN – Lào, VN – Campuchia, VN – Trung Quốc; cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực gia đình…
Ngoài ra, trong Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cấp giấy phép chấp thuận hoặc xác nhận trước khi tiến hành hoạt động (Phụ lục 5) cũng chỉ là những quy định chung chung như đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực. Và đây có lẽ lại là một mảnh đất màu mỡ để các cơ quan quản lý chuyên ngành tiếp tục xiết chặt quyền tự do kinh doanh mà pháp luật bảo hộ.
Lẽ thường, càng đặt ra nhiều điều kiện, thủ tục thực hiện càng khó khăn thì sự sách nhiễu, cầu cạnh càng diễn ra phổ biến. Nếu quy định nhiều, chung chung và tiếp tục để cho các cơ quan quản lý chuyên ngành “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành” thì chắc chắn lại rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trước đây.
Từ luật, đến nghị định, đến thông tư, đến thực tế thực hiện là một chặng đường dài … mà đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Theo WB, Việt Nam hiện đứng thứ 99 trên thế giới về môi trường đầu tư. Đó là một kết quả đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
Khi những người cấp phép cũng là một loại giấy phép
Thực tế hiện nay cho thấy, những người chịu trách nhiệm nhận, thẩm tra hồ sơ, cấp phép cũng có thể chính là một loại giấy phép.
Luật thì quy định “Tự do kinh doanh các ngành nghề mà Luật không cấm” nhưng rõ ràng, có được đăng ký ngành nghề hay không, có xin được giấy phép con để kinh doanh hay không, nhiều khi hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chẳng hạn, hiện doanh nghiệp thực hiện đăng ký ngành nghề theo Quyết định 10/2007/TTg ngày của Thủ tướng chính phủ về Hệ thống nghành kinh tế quốc dân và Quyết định 337/QĐ-BKH của Bộ kế hoạch và đầu tư. Tại nhiều địa phương, nếu một ngành nghề mà doanh nghiệp muốn không được liệt kê trong hai văn bản trên thì phải được đề cập trong một văn bản chuyên ngành nào đó mới được đăng ký, còn nếu không có thể bị từ chối dù cũng chẳng có văn bản nào cấm cả. Nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận bỏ tiền ra “mua ngành nghề” khi gặp phải các trường hợp này để được “tự do kinh doanh”.
Điều đó cho thấy việc trao quyền trong việc quyết định ngành nghề nào được đăng ký cho 1 người hoặc 1 vài người là một kẽ hở có thể dẫn đến việc cố tình hiểu méo mó các quy định của pháp luật để trục lợi.
Dưới góc độ pháp lý, tiếp nhận và thực hiện các thủ tục hành chính phải được giải thích như là một nghĩa vụ chứ không phải quyền của cán bộ, công chức.
Nhưng chừng nào còn những rào cản về tư duy xin - cho cũng như chưa có chế tài đủ sức răn đe, chừng đó quyền tự do kinh doanh một cách đúng nghĩa vẫn chỉ là ước mơ của các nhà lập pháp mà thôi.
- Nga Lê