
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay tiếp tục phiên họp 44, cho ý kiến về dự thảo luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp 9 tới đây.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cán bộ, công chức cấp xã hiện nay sẽ tiếp tục làm việc ở cấp xã mới nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Trường hợp không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bố trí đảm nhiệm vị trí việc làm ở cấp xã mới thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho hay, dự thảo luật sửa đổi quy định chuyển đổi phương thức tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Theo đó, dự thảo luật bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ.
Người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải trải qua thời gian tập sự.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ cũng đề xuất giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đó, cơ quan quản lý công chức được ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành việc tiếp tục giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc, khắc phục chế độ biên chế suốt đời.


