Chuẩn bị nhân sự tốt, Đảng sẽ có một đội ngũ cán bộ tốt, có uy tín với dân, đủ sức gánh vác trọng trách mà đất nước và nhân dân giao cho. Chuẩn bị không tốt, đại hội chỉ là dịp để hợp pháp hóa cho những bè cánh, phe nhóm, tham quyền cố vị, xa dân, phá Đảng từ trong phá ra.
Lại một lần nữa, chuyện đạo đức phẩm chất cán bộ được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn lại câu Kiều để nói về mối quan hệ Tâm - Tài. Rằng, “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”; rằng “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”.
Dù chỉ là những đoạn trích dẫn được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhưng người dân cả nước cũng đã hiểu được điều tâm huyết nhất của người đứng đầu Đảng, Nhà nước khi đề cập đến tầm quan trọng của công tác cán bộ nói chung và việc chuyện chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc khóa 13 nói riêng.
Ảnh: P.Hải |
Là thế hệ lãnh đạo kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông hiểu việc kế thừa, phát huy, nhân lên giá trị di sản về tư tưởng, đường lối, phương pháp lãnh đạo của Người có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với sự tồn vong của Đảng và sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
Bàn câu chuyện nhân sự cho Đại hội, lẽ dĩ nhiên là phải nghĩ ngay đến nhân sự cấp cao, là Tổng bí thư, là Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương. Tất cả đều được qui định rõ ràng về tiêu chuẩn cho từng chức danh. Nhưng chung quy vẫn chỉ có 2 tiêu chuẩn bao trùm là Đức và Tài của người lãnh đạo. Trong đó, Đức được xem là gốc. Gốc có vững thì cây mới bền.
Lời khẳng định này được dư luận xã hội đặc biệt chú ý khi được đặt trong bối cảnh thời gian qua, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao trong Đảng và các bộ ngành, địa phương suy thoái đạo đức, xa rời mục đích, lý tưởng, tham nhũng, lạm quyền, gây tai họa cho đất nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, lòng tin của nhân dân, nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng đến mức phải nhận kỷ luật Đảng và bị pháp luật trừng trị.
Chuẩn bị nhân sự cấp cao của Đảng trong khóa 13, càng không thể không quan tâm đến thực trạng này. Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý “đừng nhìn cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”, “đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín”, người làm nhân sự cho Đảng “phải có con mắt tinh đời”. “nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ”.
Nói những lời gan ruột như vậy trong một hội nghị bàn về công tác cán bộ và lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới, người đứng đầu Đảng muốn khẳng định một thực tế là đã có một thời gian dài, công tác giới thiệu cán bộ vào TƯ vẫn còn một số vấn đề cần phải chấn chỉnh. Đó là có biểu hiện của lợi ích phe nhóm, cục bộ vùng miền; chưa toàn tâm toàn ý vì lợi ích của toàn Đảng, toàn dân; Vẫn còn tình trạng đỏ mà chưa chín, đỏ giả tạo; hành động, việc làm mang tính khoe mẽ, đánh bóng tên tuổi, tạo dư luận để luồng sâu leo cao…
Xưa, người làm Vua được gọi là Thiên tử. Nhưng Thiên tử chả là gì nếu không có muôn dân bách tính đồng lòng. Đất nước thanh bình thịnh trị nhờ ở Vua sáng Tôi hiền biết yêu thương muôn dân, biết “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”.
Nay cũng vậy. Ai yêu dân thì được dân yêu, dân tin và dân theo. Ai phản bội lại ước nguyện của dân thì dân đánh đổ. Người cán bộ Cách mạng, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao của đất nước phải là “người đày tớ trung thành của nhân dân”, không chỉ có tài kinh bang tế thế mà phải có phẩm chất đạo đức tốt.
Ảnh: TTXVN |
Người xưa chia đức thành tám loại là: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Trong đó, “liêm” và “sỉ” là hai đức hạnh được xem là cao thượng nhất của con người. Bởi người không có liêm thì thấy thứ gì cũng lấy, người không có sỉ thì việc gì cũng dám làm.
Cán bộ “liêm” thì sẽ không tham nhũng. Cán bộ “sỉ” sẽ không làm càn làm bậy vì hổ thẹn. Biết hổ thẹn thì sẽ không tham lam vật chất, gặp khó khăn không bị khuất phục; Người cán bộ biết “liêm”, “sỉ” là người luôn biết tự soi mình, biết chiến thắng bản thân, dám đối mặt với sai lầm khuyết để sửa chữa lỗi lầm. Người có “liêm” có “sỉ” mới biết khiêm tốn mà thoái nhường; chọn lấy hay bỏ đi cái gì, đều vì đại cuộc.
Thực tế cho thấy đã có một số cán bộ khi được giới thiệu vào Trung ương được đánh giá là có tâm, có tài. Nhưng không bao lâu, họ đã suy thoái, biến chất, ích kỉ, tư lợi mà bê trễ việc công, buông lỏng quản lý, đục khoét công sản, làm nhiều điều phi pháp. Đó phải chăng là họ đã ngộ nhận về chức, quyền của mình mà coi nhẹ ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ cống hiến như tôn chỉ mục đích của Đảng: chức càng cao, nhiệm vụ càng nặng nề, hy sinh cá nhân càng cần phải lớn hơn?
Đó cũng là lý do vì sao Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi giới thiệu nhân sự cấp cao cho Đảng lần này. Tránh tình trạng vì lợi ích phe nhóm, đưa người của mình vào Trung ương để trục lợi, khi cán bộ đó hư hỏng thì lại chẳng ai phải chịu trách nhiệm gì!
Không ai biết mình bằng chính mình. Mỗi ứng viên vào BCH Trung ương hay những vị trí lãnh đạo cao hơn nữa trong Đảng, dù là tự ứng cử, hay được tổ chức giới thiệu, phải tự biết mình đang ở đâu, đã làm gì có lỗi với Đảng, với Dân; đã từng tham - sân - si lúc nào, sai phạm ra sao, nặng hay nhẹ mà tự sửa chữa, gột rửa để mình trong sáng hơn.
Hãy là một cán bộ lãnh đạo có “liêm”, có “sỉ” để biết mình phải làm gì, hy sinh gì cho Đảng, cho Dân, để Đảng ngày một trong sạch vững mạnh, là Đảng của đạo đức, văn minh; để chúng ta có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Lưu Hương
Tổng bí thư: Chọn nhân sự khóa 13 tránh ‘cua cậy càng, cá cậy vây’
Tổng bí thư lưu ý, phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự khóa 13, tránh tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây".