Hôm nay (23/9), TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Trần Khắc Hiệp (SN 1957, cựu Trưởng Ban quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn) ra xét xử tội Lập quỹ trái phép.
Bị đưa ra xét xử cùng tội danh với ông Hiệp còn có các bị cáo Lê Xuân Hoàng (SN 1962, cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Phòng Tài chính kế toán) và Nguyễn Mạnh Tấn (SN 1981, nhân viên Phòng Tài chính kế toán). Hai người này đều thuộc Ban quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Các bị cáo tại tòa |
Theo cáo trạng, Ban quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Ban QLDA Nghi Sơn) là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Năm 2008- 2011, ông Tôn Anh Thi làm Trưởng ban. Từ năm 2011- 10/2017, bị cáo Hiệp tiếp quản ghế Trưởng ban QLDA.
Năm 2008, PVN giao Ban QLDA Nghi Sơn thực hiện 4 hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. PVN cũng ký các quyết định cấp vốn và kinh phí hoạt động cho Ban QLDA Nghi Sơn hơn 3.654 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Cáo trạng xác định, từ năm 2010-2015, lợi dụng chức Trưởng Ban QLDA, sau khi nhận được tiền thanh toán cho hợp đồng san lấp mặt bằng hoàn thiện và hợp đồng nạo vét công trình biển, ông Thi và Hiệp đã bàn bạc, thống nhất với bị cáo Hoàng dùng 1.600 tỷ đồng từ nguồn tiền mà PVN cấp để gửi tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và Oceanbank Thanh Hóa trong thời gian ngắn (1 tuần- 1 tháng).
Việc này nhằm lấy hơn 20 tỷ đồng tiền chênh lệch lãi suất. Số tiền này bị để ngoài sổ sách kế toán để sử dụng, chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.
Ông Hiệp bị xác định đã ký 66 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với MB Thanh Hóa và 13 văn bản thỏa thuận gửi tiền với Oceanbank Thanh Hóa.
Tổng số tiền gửi ghi trên hợp đồng là 1.600 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh là hơn 19 tỷ. Số tiền này để ngoài hệ thống sổ sách kế toán để dùng, gây thiệt hại cho PVN.
Trước khi khởi tố vụ án, ông Hiệp đã nộp hơn 7,4 tỷ đồng vào tài khoản PVN để khắc phục một phần hậu quả.
Đối với ông Tôn Anh Thi, cáo buộc cho rằng, có đủ căn cứ kết luận ông phạm vào tội Lập quỹ trái phép.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định, sau khi xảy ra sự cố ngày 25/5/2010 tại mặt bằng dự án làm chết 2 người, để ổn định tình hình, hỗ trợ vật chất cho các gia đình nạn nhân, ông Thi đã chỉ đạo dùng hơn 813 triệu đồng từ các hợp đồng tiền gửi nêu trên để chi nhiều lần cho 2 gia đình nạn nhân.
Ngoài ra, toàn bộ số tiền lãi phát sinh từ 15 hợp đồng tiền gửi do ông Thi ký là hơn 1,1 tỷ đồng đã được ông này chủ động nộp khắc phục hậu quả vào tài khoản của PVN trước khi CQĐT khởi tố vụ án.
Quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận đã dùng hơn 20 tỷ đồng nói trên cho công tác đối nội, đối ngoại của Ban QLDA Nghi Sơn.
PVN có văn bản đề nghị giảm trách nhiệm hình sự cho ông Thi. Qúa trình công tác, ông này có nhiều đóng góp... CQĐT đã đề nghị áp dụng chính sách hình sự đối với ông Thi và VKSND Tối cao đã có quyết định đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông này.
Phiên tòa hôm nay, luật sư cho rằng, cần sự có mặt của ông Thi để làm rõ hành vi của các bị cáo, cũng như các tình tiết khách quan của vụ án. Hơn nữa, đại diện Ngân hàng MB không tham gia phiên tòa cũng gây nhiều khó khăn trong việc giải quyết vụ án. Luật sư đề nghị HĐXX hoãn tòa để triệu tập ông Thi và đại diện Ngân hàng MB. Ngoài ra, luật sư của bị cáo Hoàng cũng vắng mặt nên HĐXX đã cho hoãn tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 28/9 tới. |
Nữ đại gia Hà Nội ‘ngậm đắng’ vì bị cán bộ ngân hàng lừa tiền tỷ
Hôm nay (1/9), TAND TP Hà Nội tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1972, cựu Trưởng phòng giao dịch số 14, Ngân hàng NCB, Chi nhánh Hà Nội) 12 năm tù vì Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
T.Nhung