Ngày 9/12, nghệ sĩ Chí Tài (sinh năm 1958) đột quỵ tại nơi ở của ông ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Nghệ sĩ được đưa vào bệnh viện nhưng không qua khỏi và mất vào ngày 9/12.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong. 90% số người qua cơn đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ hoặc nguồn cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn.
Không có oxy, các tế bào não và mô sẽ bị tổn thương và bắt đầu chết trong vòng vài phút.
Danh hài Chí Tài vừa đi xem bóng rổ vào ngày 6/12
Triệu chứng của đột quỵ
Lượng máu lên não giảm làm tổn thương các mô bên trong não. Các triệu chứng của đột quỵ biểu hiện ở các bộ phận cơ thể do các vùng não bị tổn thương kiểm soát.
Người bị đột quỵ được cấp cứu càng sớm thì khả năng phục hồi càng khả quan hơn. Vì lý do này, sẽ rất hữu ích nếu bạn biết các dấu hiệu của đột quỵ để hành động nhanh chóng. Các triệu chứng đột quỵ bao gồm:
- Tê liệt
- Tê hoặc yếu ở cánh tay, mặt và chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể
- Khó nói
- Lú lẫn
- Nói lắp
- Mắt kém, song thị
- Đi lại khó khăn
- Mất thăng bằng
- Chóng mặt
- Đau đầu dữ dội, đột ngột không rõ nguyên nhân
Cao huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa: Croi
Các yếu tố dẫn tới nguy cơ đột quỵ
1. Cao huyết áp
Huyết áp bình thường là 120/80 mm Hg. Huyết áp cao (tăng huyết áp) khi máu chảy qua các mạch máu với áp suất cao hơn bình thường.
Vì huyết áp cao có thể không có triệu chứng, một số người sống chung với căn bệnh này trong nhiều năm trước khi phát hiện. Huyết áp cao có thể dẫn đến đột quỵ vì làm hỏng các mạch máu dần theo thời gian và hình thành các cục máu đông trong mạch máu não.
Huyết áp cao không chỉ gây ra đột quỵ mà còn dẫn tới bệnh tim. Điều này do tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể.
Mọi người có thể kiểm soát huyết áp bằng việc khám sức khỏe và huyết áp thường xuyên. Bạn cũng cần thay đổi lối sống để giảm huyết áp như theo một chế độ ăn ít muối, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và hạn chế uống rượu.
Cholesterol cao
Bạn không chỉ nên kiểm tra huyết áp thường xuyên mà còn cần theo dõi mức cholesterol trong máu. Quá nhiều cholesterol trong máu dẫn đến cục máu đông.
Để duy trì mức cholesterol lành mạnh, hãy áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với trái cây và rau quả cũng như thực phẩm ít natri và chất béo. Tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng.
Hút thuốc
Đây là một yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ. Khói thuốc lá chứa các hóa chất độc hại, chẳng hạn như CO, có thể gây hại cho hệ tim mạch và làm tăng huyết áp.
Thêm vào đó, hút thuốc dễ gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Sự tích tụ của các mảng bám có thể gây ra các cục máu đông, làm giảm lưu lượng máu lên não. Hút thuốc cũng làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
Bệnh tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Với thuốc và chế độ ăn uống phù hợp, bạn có thể duy trì mức đường huyết ổn định. Điều này làm giảm các biến chứng như đau tim, đột quỵ, tổn thương nội tạng và thần kinh.
Các bệnh lý nền liên quan tới tim mạch, thiếu máu cục bộ, hồng cầu lưỡi liềm
Biện pháp ngăn ngừa
Đối với những người có nguy cơ cao, việc ngăn ngừa đột quỵ bắt đầu bằng việc thay đổi lối sống:
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: Tiêu thụ 5 phần rau quả mỗi ngày. Tránh thực phẩm nhiều natri, có chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, hạn chế uống rượu và đường.
- Bỏ hút thuốc: Cân nhắc liệu pháp thay thế nicotine để giảm cảm giác thèm thuốc lá. Ngoài ra, hãy tránh những người, tình huống hoặc nơi có thể bạn thèm cảm giác hút thuốc. Một số người dễ muốn hút thuốc khi xung quanh là những người hút thuốc khác.
- Năng động: Hoạt động ít nhất 30 phút mỗi ngày, 3-5 ngày một tuần có tác động tích cực đến huyết áp, cholesterol và cân nặng. Bạn chỉ cần tập luyện cường độ vừa phải như đi bộ, chạy, bơi lội, chơi thể thao hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào khác giúp tim bơm máu.
- Giảm cân: Tập thể dục thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn cũng có thể làm giảm trọng lượng cơ thể, giảm huyết áp và cholesterol.
- Khám sức khỏe hàng năm: Đây là cách bác sĩ đánh giá huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.
- Tiếp tục điều trị nếu bạn có bệnh: Nếu được chẩn đoán mắc bệnh hoặc có tình trạng làm tăng nguy cơ đột quỵ, hãy tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ để giữ cho tim và mạch máu khỏe mạnh.
Ví dụ, những người bị bệnh tiểu đường cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên để tránh các biến chứng và ngăn ngừa đột quỵ.
An Yên (Theo Healthline)
Bác sĩ cảnh báo 3 thói quen khiến người trẻ dễ đột quỵ tim
Giữa đêm, anh Đ. đột nhiên thấy tim đau nhói, tức ngực, mồ hôi túa ra ướt đẫm một chiếc áo. Bác sĩ chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim.