Christopher Massimine đang cố gắng không nói dối khi vợ hỏi anh đã sắp xếp đồ tái chế chưa, hay khi Mary Ann, bạn của mẹ vợ anh hỏi liệu anh có thích món khai vị nướng mà bà mang đến hay không.
Anh cố gắng không nói dối bác sĩ trị liệu của mình, người đưa ra cho anh lộ trình trị liệu hành vi nhận thức để ngừng nói dối. Massimine cũng cố gắng không nói dối phóng viên New York Times đến phỏng vấn về thói quen đã đeo bám anh cả đời như thế nào.
Nỗ lực này bắt đầu khoảng 15 tháng trước, khi Massimine từ chức Giám đốc điều hành Pioneer Theater Company ở Thành phố Salt Lake (Mỹ) sau khi một nhà báo địa phương phát hiện Massimine đã tô hồng sơ yếu lý lịch bằng những thông tin sai lệch.
Sơ yếu lý lịch hóa ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trong suốt nhiều năm, Massimine đã nói dối rất nhiều và công phu, đôi khi không có bất kỳ mục đích rõ ràng nào.
Anh nói với bạn bè rằng mình đã leo lên đỉnh Everest (thực tế đang trong khách sạn ở Campuchia) và tham dự Burning Man ở Nevada (nhưng ảnh được chứng minh đã chụp ở nơi khác).
Anh nói với các nhà báo mình sinh ra ở Italy (thực tế là bang New Jersey, Mỹ). Thậm chí, anh nói dối vợ rằng mình đang ngoại tình với Kourtney Kardashian.
Những lời nói dối bị vạch trần đã khiến cuộc sống của Massimine trở nên tan nát, đe dọa đến cuộc hôn nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng thành công ban đầu của anh trong thế giới sân khấu ở New York.
Anh đã nói chuyện với New York Times để giải quyết điều anh mô tả là một hiểu lầm lớn: Đó không phải là những lời nói dối của một kẻ lừa đảo có tính toán mà của một người mắc bệnh tâm thần không thể tự giúp mình.
Trước khi những điều bịa đặt bị phanh phui, Massimine đã vào bệnh viện tâm thần. Anh được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách nhóm B, một hội chứng có thể bao gồm sự lừa dối và tìm kiếm sự chú ý.
“Anh ấy không kiểm soát được chuyện này”, vợ anh, Maggie, 37 tuổi, cho biết. Cô thừa nhận đã có lúc cô cân nhắc việc đệ đơn ly hôn. “Đó thực sự là bước ngoặt đối với tôi, khi tôi hiểu đây là một căn bệnh”, Maggie nói thêm.
Kể từ đó, cô đã tham gia vào dự án giúp chồng hồi phục. Maggie nhớ lại vào năm 2018, cô nhận ra vấn đề của chồng mình.
“Anh đang ở Tây Tạng. Xin đừng giận anh”, email của Massimine viết. Anh đính kèm một bức ảnh chụp hai người đàn ông, gồm một người Sherpa (người dân sống ở vùng núi Himalaya) và một người leo núi tóc vàng, với đỉnh núi Himalaya hiện lờ mờ ở hậu cảnh.
Maggie nhìn chằm chằm vào bức ảnh và thấy vô nghĩa. Bởi trước đó, anh thông báo mình đang đi nghỉ ở Campuchia. Anh không có thời gian để thích nghi với độ cao trên núi; không có kinh nghiệm leo núi; không có visa Trung Quốc.
Maggie bắt đầu tìm hiểu sâu về chồng qua các bài đăng trên Facebook và email. Cô phát hiện những chiêu thức lừa dối tinh vi - giả giọng nói, tài khoản email giả, thư từ giả mạo. Cô đã rất sợ hãi, cô nghĩ: "Người này là ai? Tôi đã kết hôn với ai?".
Massimine lớn lên ở bang New Jersey, là con duy nhất của một y tá và một kiểm toán viên. Khiếu nghệ thuật của anh bộc lộ rất sớm, lúc 10 tuổi, anh đã thuyết phục các thành viên trong đội Hướng đạo sinh của mình biểu diễn một vở kịch do anh viết và để lại ấn tượng tốt.
Việc nói dối cũng bắt đầu sớm. Vào năm lớp hai, khi lo lắng với điểm B cộng môn Toán, anh nói với bố mẹ rằng mình được mời lên sân khấu ở trường để hát song ca với một diễn viên trong The Lion King. Nói dối đã trở thành một “cơ chế phòng thủ”, để Massimine xoa dịu sự lo lắng của mình.
Vào thời điểm gặp Maggie, Massimine là một nhà sản xuất sân khấu thành công, luôn tham công tiếc việc. Các đồng nghiệp nhớ lại, anh từng thức trắng đêm, đôi khi quên tắm hoặc thay quần áo.
Ở tuổi 29, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Nhà hát Yiddish Quốc gia Folksbiene.
Giờ đây, Maggie hiểu rằng thói quen làm việc của chồng không phải là vấn đề duy nhất của cô. Họ ly thân trong vài tháng. Sau đó, cô dịu lại và tự nhủ có lẽ anh nói dối vì cô khiến anh cảm thấy không xứng đáng. Họ quay lại với nhau. Anh bắt đầu trị liệu và dùng thuốc chống trầm cảm.
Họ dành nhiều tháng để sàng lọc mọi thứ anh từng kể với cô ấy về cuộc đời mình để tìm ra sự thật từ hư cấu.
Hành vi của Massimine trở nên khó chấp nhận vào năm 2021. Anh bắt đầu xuất hiện trong những bài viết ca ngợi mình hoành tráng: Từng là phó chủ tịch của Mensa International, cố vấn cho Aretha Franklin và chủ hãng kim cương.
Sau đó, tất cả vỡ lở. Một nhóm nhân viên của nhà hát đệ đơn khiếu nại Massimine, cáo buộc sự quản lý yếu kém, một phóng viên của Fox chuẩn bị vạch trần những điều bịa đặt của anh.
Maggie nhớ lại những ngày ấy là khoảng thời gian đáng sợ nhất mà cô từng trải qua. Cuối cùng, cô lái xe chở Massimine đến khoa tâm thần của bệnh viện đại học, nơi anh từng có 3 lần lưu trú ngắn ngủi.
Tiến sĩ Jordan W. Merrill là bác sĩ tâm thần đã điều trị cho Massimine vào năm đó. Ông nhớ lại Massimine đặc biệt mong manh trong những tuần kế tiếp.
“Có những bệnh nhân khiến chúng tôi thực sự lo lắng rằng sẽ nhận được một cuộc điện thoại vào sáng hôm sau thông báo họ đã mất. Có một khoảng thời gian, anh ấy là kiểu người như thế”, Tiến sĩ Merrill nói.
Vị chuyên gia nhận định những điều bịa đặt của Massimine là “lời nói dối lành tính, bảo vệ cho sự mong manh bên trong của bệnh nhân”.
Đối với Maggie, việc chẩn đoán đã tạo nên sự khác biệt. Các bác sĩ gửi cho cô các thông tin về căn bệnh. Sự tức giận của cô đối với anh tan biến. Những ngày này, Massimine gặp gỡ hàng tuần với một nhà trị liệu, giải tỏa những khoảnh khắc cảm thấy thôi thúc mạnh mẽ để bịa đặt.