- Không những bị đối thủ Campuchia cạnh tranh trên thị trường quốc tế về xuất khẩu lúa gạo mà hàng loạt nông sản Campuchia đang âm thầm tấn công thị trường nội địa, phủ sóng khắp các vựa nông sản lớn của Việt Nam.

Việt Nam thua Lào, Campuchia: Người Việt có kém?
Nông sản Campuchia tràn vào thị trường Việt

Câu chuyện du lịch Việt Nam thua Campuchia về cách làm hay ngành ô tô Việt Nam thua Campuchia về sự phát triển hẳn không còn mới bởi công nghiệp ô tô không phải là thế mạnh ở Việt Nam, còn du lịch cũng được xem là ngành dịch vụ mới mẻ.

Song, câu chuyện gạo Việt bị gạo Campuchia cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc thì lại khác hoàn toàn, vì Việt Nam vốn được mệnh danh là vựa lúa gạo, xếp thứ 3 về xuất khẩu lúa gạo thế giới.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Ngay cả trên "sân nhà", nông sản Campuchia cũng đang dần thế chân nông sản Việt.

Thực tế, việc hỏi mua các loại gạo Campuchia ở vựa lúa gạo ĐBSCL chẳng khó khăn gì. Người dân, tiệm cơm muốn mua các loại gạo Sa Mơ, Móng Chim, Sóc Miên,... của Campuchia chỉ gọi một cuộc điện thoại. Ngay sau đó, gạo sẽ được giao đến tận nơi, số lượng có thể từ vài kg đến hàng chục tấn một lúc.

{keywords}

Sau khi thế chân gạo Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, gạo Campuchia tiếp tục tấn công vào thị trường Việt Nam

Trong khi đó, các doanh nghiệp buôn bán thì hào hứng bởi gạo Campuchia có giá thành khá ổn định nên không sợ lỗ. Còn với các quán cơm bình dân, gạo Campuchia chính là lựa chọn hàng đầu do gạo này nở nhiều, xốp cơm, hợp với khẩu vị của thực khách.

Tương tự, thời gian này, xoài keo Campuchia không chỉ làm mưa làm gió tại thị trường miền Nam mà còn khuấy đảo cả thị trường ngoài Bắc, mức giá bán khá rẻ, chỉ từ 25.000-30.000 đồng/kg.

Theo tiết lộ của chị Đinh Thu Lan, một mối chuyên buôn xoài keo Campuchia ở Thanh Xuân (Hà Nội), mỗi ngày chị bán được cả tấn xoài keo, nhiều hôm còn cháy hàng.

Chị Lan cho biết, xoài keo được thị trường Hà Nội ưa chuộng không chỉ do mẫu mã đẹp, bắt mắt mà bởi chất lượng. Xoài xanh ăn giòn ngọt, chín thơm ngon, cơm xoài lại dày. Nếu so với những loại xoài Việt cùng chất lượng thì xoài keo của Campuchia có giá chỉ bằng một nửa hay bằng một 1/3. Còn so với các loại xoài cùng mức giá thì người tiêu dùng dễ dàng thấy xoài keo vượt trội về chất lượng.

Anh Trần Thế Nam, chủ một cửa hàng đặc sản ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng chia sẻ, hơn một năm lại đây, không chỉ xoài keo mà sầu riêng hạt lép, các loại đặc sản khác như lạp xưởng, cá khô, bò khô, trâu khô,... của Campuchia đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân.

"Ngày trước tôi buôn các cả loại đặc sản miền núi của Việt Nam nhưng giờ thì chuyển hẳn sang đặc sản Campuchia, Lào vì thấy khách chuộng hơn. Người mua lý giải, chất lượng hàng Campuchia tốt, giá cả cũng khá hợp lý", anh Nam chia sẻ.

Đừng coi thường đối thủ nhỏ

Trao đổi với PV, TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, không chỉ có nông sản Campuchia mà cả nông sản của Lào, Trung Quốc cũng bán rất nhiều tại thị trường Việt Nam, với số lượng ngày càng lớn. Nông sản Việt Nam cũng vậy, ngày càng xuất đi các nước nhiều hơn. Theo ông, điều đó thể hiện sự sôi động và đan xen của các nền kinh tế khi hôi nhập, là một xu hướng tất yếu.

{keywords}

Nông sản Campuchia đang được đánh giá cao về mặt chất lượng cũng như giá thành, độ an toàn

"Tới đây, sau khi chúng ta hoàn toàn vào TPP và cộng động ASEAN thành hiện thực thì sự đan xen còn quyết liệt hơn. Do đó, trong quá trình buôn bán mà thấy số lượng tăng lên thì đó là điều hợp với quy luật", ông Sơn nói.

Thế nhưng, tại sao với những mặt hàng hoá truyền thống Việt Nam có thế mạnh tuyệt đối như trái cây nhiệt đới (xoài, sầu riêng) hay lúa gạo, vậy mà giờ đây lại bị tấn công ngay trên sân nhà? Nghe có vẻ phi lý nhưng về nguyên tắc thì giống như tình trạng ở trên. Campuchia đang chọn đi vào thị trường ngách của Việt Nam.

Theo ông Đăng Kim Sơn, chuyện này rõ nhất với mặt lúa gạo. Lúa gạo của Campuchia sản xuất trên một vùng có mức độ thâm canh so với nước ta thấp hơn hẳn. Họ áp dụng những giống mà Việt Nam đã bỏ từ lâu, như giống lúa địa phương một vụ lúa mùa, ít dùng phân thuốc, thời gian sinh trưởng dài nên chất lượng gạo rất tốt, người dùng có cảm giác an toàn hơn, đáng tin cậy hơn. Thị trường rất ưu chuộng loại gạo này.

Tương tự, với trái cây của Campuchia cũng vậy. Nó được bán đi từ một địa bàn mà người dân không sử dụng các biện pháp thâm canh, bảo quản hoặc kích thích để cho trái chín. Chính vì thế chất lượng ngon hơn, ít nhất là về cảm quan vệ sinh an toàn thì người tiêu dùng Việt tin cậy hơn.

Ông Sơn cũng cho biết, nông sản Campuchia đang nhắm tới thị trường đô thị hay thị trường nông thôn có mức thu nhập khá. Việt Nam là một trong số những thị trường đó.

"Thị trường ngách này chúng ta đang cạnh tranh bằng lợi thế năng suất cao, giá thành thấp. Tuy nhiên, chúng ta không nên coi thường bất cứ đối thủ nào, kể cả là họ là nước nhỏ hay nước đi sau chúng ta", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, Việt Nam có những vùng sản xuất các loại hàng hoá nông sản giống như nông sản Campuchia xuất khẩu, thậm chí, nếu chuyển đổi chúng ta sẽ có những sản phẩm tốt hơn. Song, điều quan trọng là chiến lược chuyển đổi của chúng ta như thế nào.

"Nếu không tính toán về mặt chiến lược, chúng ta có thể mất cả thị trường ngoại và thị trường nội. Bởi, người tiêu dùng giờ đánh giá sản phẩm bằng thị hiếu của họ. Nếu sản phẩm nào mà ngon, nếu sản phẩm nào họ tin là sạch, giá rẻ thì họ sẽ chọn. Thế nên, câu chuyện ai thắng ai thua ở thị trường trong nước của Việt Nam là hoàn toàn phụ thuộc vào người nông dân và cả người làm chiến lược", ông Sơn nói.

B. Hân

Chuyện bà Ba Sương - người phụ nữ 'không thể chết được'