Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch trực tuyến ngày 27/1, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết, trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước đã phải đóng cửa và hàng chục nghìn lao động bị mất việc.

{keywords}
Một du khách đeo khẩu trang bước vào khu vực quét nhiệt độ cơ thể tại sân bay quốc tế Phnom Penh ở thủ đô Campuchia. Ảnh: AP

Tân Hoa xã dẫn lời ông Thong Khon giải thích: "Chiến dịch mới là một chiến lược nhằm thu hút du khách từ khắp thế giới cũng như từ các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến với Campuchia".

Theo quan chức này, mọi du khách đã hoàn thành tiêm phòng Covid-19 đều được chào đón đến Campuchia mà không cần cách ly. Nhà chức trách khuyến nghị các doanh nghiệp làm du lịch thực hiện các biện pháp an toàn và đảm bảo quy trình hoạt động hiệu quả để ngăn ngừa virus lây lan.

Du lịch là một trong 4 trụ cột của nền kinh tế Campuchia. Chỉ tính riêng năm 2019, nước này đã đón 6,61 triệu lượt khách quốc tế, đem lại doanh thu lên tới 4,92 tỷ USD. Song, do ảnh hưởng của đại dịch, ngành du lịch chỉ đón 163.366 lượt khách quốc tế trong giai đoạn từ tháng 1 - 11/2021, giảm 87% so với mức 1,28 triệu lượt khách trong cùng kỳ năm 2020.

Tháng 11/2021, quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón các du khách tiêm đủ mũi vắc xin cơ bản, sau khi hầu hết dân số toàn quốc đã được chủng ngừa. Bộ Y tế Campuchia thống kê, tính đến ngày 27/1, 89,6% trong tổng số 19 triệu dân số toàn quốc đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 86% đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.

Kể từ đầu dịch, Campuchia ghi nhận 121.150 ca mắc, bao gồm 3.015 trường hợp tử vong.

Thủ tướng Canada tự cách ly vì phơi nhiễm Covid-19

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 27/1 thông báo ông đã bắt đầu cách ly 5 ngày sau khi tiếp xúc với một người nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.

"Tôi cảm thấy khỏe và sẽ làm việc tại nhà. Mọi người, xin hãy giữ an toàn và đi tiêm phòng nhé", ông Trudeau viết trên Twitter.

Theo Reuters, thông tin đồng nghĩa, ông Trudeau, 50 tuổi sẽ bỏ lỡ phiên họp khai mạc của Quốc hội Canada vào ngày 31/1.

Ông Trudeau được bầu làm thủ tướng từ tháng 11/2015 và tái đắc cử lần 2 vào tháng 9 năm ngoái. Ông từng phải cách ly 2 tuần hồi tháng 3/2020 sau khi vợ ông được chẩn đoán dương tính với Covid-19.

Nhiều bộ trưởng nội các Canada, kể cả Ngoại trưởng Melanie Joly, đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong vài tháng trở lại đây.

Thái Lan dự kiến tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu

Bộ Y tế Thái Lan đã lên kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí riêng, ngay cả khi chưa có xác nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo báo Bangkok Post, Bộ trưởng Y tế Kiattiphum Wongrajit đã thông báo kế hoạch này sau cuộc họp ngày 27/1 của Ủy ban quốc gia về bệnh truyền nhiễm.

Tiến sỹ Kiattiphum nói, các tiêu chí được dùng làm căn cứ đưa ra tuyên bố có thể chấp nhận được về mặt học thuật, bao gồm không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm 2 mũi vắc xin.

Theo ông, quan điểm của Bộ Y tế Thái Lan là Covid-19 đã lây lan trong hơn 2 năm và các xu hướng phản ánh dịch đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng. Khi tình hình tiến triển tốt và mọi tiêu chí trên được thỏa mãn, nhà chức trách sẽ đưa ra tuyên bố về bệnh đặc bữu.

Ông Kiattiphum nhấn mạnh, các quan chức y tế Thái Lan sẽ hành động để đẩy nhanh quá trình tiến tới tuyên bố nói trên, thay vì chờ đợi căn bệnh này trở thành bệnh đặc hữu một cách tự nhiên, hoặc WHO công bố việc đó vì sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Dự kiến, sau khi tuyên bố bệnh đặc hữu, Chính phủ Thái Lan sẽ cho phép điều trị các bệnh nhân Covdi-19 theo nhu cầu cá nhân và có thể yêu cầu tất cả mọi người hoặc chỉ riêng bệnh nhân phải đeo khẩu trang. Hiện tại, nhà chức trách đã áp quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng. Bất kỳ ai vi phạm có thể bị phạt tới 20.000 baht (600 USD).

Thái Lan hiện là một "điểm nóng" về dịch ở Đông Nam Á với hơn 2,4 triệu ca mắc, 22.101 bệnh nhân không qua khỏi. 69% dân số toàn quốc đã hoàn thành các mũi vắc xin cơ bản và 16% được tiêm mũi tăng cường.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 28/1 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 223 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 366,2 triệu người, bao gồm xấp xỉ 5,7 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, hơn 289,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 74,6 triệu ca mắc, hơn 901.000 bệnh nhân không qua khỏi. 64% người dân ở xứ sở cờ hoa đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản và 26% được tiêm mũi tăng cường.

- Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố, kể từ ngày 5/2 sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ 21 ngày xuống còn 14 ngày. Theo quy định hiện hành, người Hong Kong trở về từ 160 quốc gia đang phải cách ly 3 tuần tại các khách sạn được chỉ định và phải tự trả mọi chi phí.

- Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) ngày 27/1 phê chuẩn có điều kiện việc sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid của hãng dược Mỹ Pfizer để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đã trưởng thành và có nguy cơ bệnh trở nặng. Italia, Đức và Bỉ nằm trong số rất ít nước EU đã sử dụng thuốc trên trước khi EMA có quyết định chính thức.

- Cùng ngày, các trường học phổ thông ở Ba Lan bắt đầu phải chuyển sang hình thức học trực tuyến theo yêu cầu của Bộ Giáo dục để đối phó với diễn biến dịch phức tạp. Bộ Y tế Ba Lan thông báo sẽ cho trẻ từ 12 - 15 tuổi tiêm mũi vắc xin tăng cường từ ngày 28/1. Cho đến nay, quốc gia châu Âu ghi nhận tổng cộng gần 4,7 triệu ca mắc, 104.636 bệnh nhân tử vong. Hơn 1 triệu người đang phải cách ly y tế phòng chống dịch.

Tuấn Anh

Chuyên gia dự báo bức tranh toàn cầu 2022 sau làn sóng Omicron

Chuyên gia dự báo bức tranh toàn cầu 2022 sau làn sóng Omicron

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã chia sẻ quan điểm về đại dịch Covid-19 cũng như viễn cảnh của thế giới năm 2022 sau sự càn quét của biến thể Omicron.

Động vật có dễ mắc virus SARS-CoV-2 như con người?

Động vật có dễ mắc virus SARS-CoV-2 như con người?

Việc Hong Kong (Trung Quốc) phải tiêu hủy hàng loạt chuột hamster sau khi phát hiện một số cá thể nhập khẩu từ Hà Lan nhiễm SARS-CoV-2, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng động vật, kể cả vật nuôi, mắc virus.