Nếu như lập một danh sách những smartphone 'yểu mệnh' nhất trong mọi thời đại, thì có lẽ P30 Pro sẽ chiếm một vị trí rất cao trong đó. Được ra mắt vào ngày 26 tháng 3, chưa đầy 2 tháng trước khi chính phủ Mỹ ban bố lệnh trừng phạt nặng nề với Huawei, kéo theo đó là việc người dùng ngần ngại khi đầu tư vào một dòng smartphone có thể sẽ bị ngừng hỗ trợ chỉ trong nay mai.
Cầm P30 Pro trên tay, mình có muôn vàn cảm xúc lẫn lộn, không chỉ dành cho riêng sản phẩm này, cũng không chỉ cho Huawei mà cho cả tương lai của thị trường smartphone nói chung.
Một chân lý khó có thể chối cãi: Thị trường smartphone đang bước vào thời kỳ bão hòa. Mảng công nghệ nào cũng vậy mà thôi. 'Nạn nhân' gần nhất của hiện tượng này là máy tính cá nhân (Laptop, Desktop), khi ta vẫn nhìn thấy những nâng cấp qua từng năm, nhưng không còn thấy được sự phát triển theo cấp số nhân như 10 năm về trước.
Lý do đơn giản để lý giải cho điều trên đó là người dùng cảm thấy smartphone hiện tại đã đủ tốt, không có nhiều lý do để nâng cấp lên những dòng sản phẩm mới hơn nếu sự thay đổi là quá ít. Smartphone cũng càng ngày cũng càng bền bỉ hơn, nên ta có thể giữ chúng được đến 3, 4 thậm chí 5 năm thay vì phải thay thế liên tục như trước.
Chính vì vậy, những phiên bản mới nhất, cao cấp nhất của các hãng smartphone đều phải có những điểm 'dị', những nâng cấp làm người dùng phải mở tròn mắt khi nhìn vào bảng thông số kỹ thuật và sẵn sàng bỏ số tiền lớn ra để mua. Và nếu hỏi bất cứ ai quan tâm đến công nghệ rằng Huawei P30 Pro có làm được điều đó không, thì chắc chắn câu trả lời sẽ là: Có!
Chiếc smartphone này hội tụ đầy đủ những 'tố chất' của một sản phẩm đầu bảng: màn hình OLED chất lượng cao tràn viền (với vết cắt 'giọt nước' rất nhỏ) hỗ trợ HDR10, chuẩn chống nước cao IP68, vi xử lý Kirin 980 mạnh mẽ, lên tới 8GB RAM và 512GB bộ nhớ trong.
Cầm P30 Pro trên tay, ta biết được ngay đây là một chiếc máy cao cấp với 2 mặt kính vát cong dày dặn, viền kim loại được mạ a-nốt bóng bẩy và cũng không kém phần cứng cáp. Máy có độ nặng nhất định, tất nhiên khi cầm lâu sẽ cho cảm giác mỏi cổ tay, nhưng báo hiệu cho người dùng biết đây là một sản phẩm công nghệ đáng giá ngàn Đô!
Thời lượng pin cũng là một điểm rất ấn tượng trong quá trình sử dụng P30 Pro. Máy được trang bị viên pin dung lượng 4200mAh, đi kèm với hệ thống phần mềm quản lý ứng dụng nền rất chặt chẽ nên luôn luôn sử dụng được 2 ngày. Khi hết pin, máy cũng sạc đầy rất nhanh với sạc SuperCharge 40W.
Thế nhưng tính năng nổi bật nhất, tính năng làm P30 Pro không trở thành 'một chiếc smartphone cao cấp đáng quên nữa' đó là hệ thống chụp hình của nó. Máy có tới 4 camera sau, với camera chính có cảm biến 40MP loại đặc biệt để thu nhận sáng tốt hơn, camera góc rộng 20MP, camera zoom tiền vọng 5x đầu tiên trên thị trường (có thể zoom số lên tới 50x) và cảm biến 3D Time-Of-Flight.
Huawei có lẽ đã chọn tất cả những gì tinh túy nhất của những nhà sản xuất camera và 'nhét' chúng vào hệ thống chụp hình của P30 Pro, nhờ đó mà người dùng có thể làm được mọi thứ: chụp thiếu sáng, chụp xóa phông, zoom gần (0.6x) hay zoom xa (5, 10 thậm chí 50x).
Vẫn còn nhiều tranh cãi về chất lượng hình ảnh cuối cùng của P30 Pro, khi kiểu xử lý hình ảnh của nó sẽ không hợp mắt với một số khách hàng nhất định. Thế nhưng không ai có thể chối cãi rằng đây là một hệ thống chụp hình rất mạnh mẽ, thể hiện được sự 'dám thử, dám làm' của Huawei.
Là nhà sản xuất đứng thứ 2 Thế giới và có thể tạo ra được một chiếc smartphone cao cấp như P30 Pro, nhưng Huawei không 'bất bại' như mọi người nghĩ. Chỉ hơn 1 tuần trước, chính phủ Mỹ chính thức dưa Huawei vào danh sách các công ty không được giao dịch với nước này. Trước đây, 'Hoa Vỹ' cũng đã không được buôn bán các sản phẩm của mình vào Mỹ, song có các thị trường khác 'chống lưng' nên hãng này vẫn sống khỏe và thậm chí còn phát triển vượt bậc.
Thế nhưng lệnh cấm mới của Mỹ lại có tầm ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, ngăn cản Huawei không được sử dụng phần mềm của Google - đặc biệt là hệ điều hành Android đang có mặt trên toàn bộ các smartphone của họ. Huawei cũng không được sử dụng toàn bộ phần cứng và giải pháp sản xuất phần cứng từ Mỹ.
Nếu như nhìn vào bảng danh sách (vô cùng dài) những linh kiện được sử dụng trong chiếc P30 Pro nhỏ bé, ta thấy được rằng các công ty Mỹ đóng vai trò chủ chốt trong việc làm nên một sản phẩm hoàn thiện đến tay người dùng. Không dừng lại ở đó, ta còn nhìn thấy hiệu ứng domino khi có nhiều hãng từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể tiếp tục giao dịch với Huawei vì có sử dụng công nghệ từ Mỹ, hoặc đơn giản là không muốn vào 'sổ đen' của Mỹ.
Huawei cố gắng tỏ ra mạnh mẽ khi tuyên bố sẽ thay thế những linh kiện đã mất bằng các sản phẩm nội địa, nhưng điều này quả thực là quá khó. CPU, GPU hay nhiều thứ khác trong SoC của những hãng trong nước như HiSilicon (thuộc sở hữu của Huawei) hay MediaTek của Đài Loan cũng 'dính dáng' quá nhiều tới công nghệ từ Mỹ hay ARM của Anh.
Hãng nói rằng sẽ tạo ra hệ điều hành riêng để thay thế cho Android, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng đây là một việc làm rất dễ thất bại. Hệ điều hành hoạt động được thì không khó, nhưng ai sẽ làm phần mềm cho riêng những người dùng máy Huawei? Các nhà phát triển chắc chắn sẽ vẫn cứ ở lại với Android và iOS, 2 hệ điều hành đã xuất hiện từ lâu và chắc chắn có khách hàng.
Đó là còn chưa kể tới việc Huawei đã bị loại bỏ khỏi hiệp hội SD và Wifi. Một chiếc smartphone có thể không có thẻ micro SD - P30 Pro cũng đã sử dụng chuẩn Huawei Nano card riêng, nhưng thử tưởng tượng chúng không vào được mạng Wifi nữa xem!
Huawei đã 'leo núi' rất nhanh trong thị trường smartphone, nhưng tuột xuống cũng nhanh không kém, và có thể sẽ phải leo lại từ đầu. Điểm khác biệt đó là lần đi lên đầu tiên, Huawei có sự trợ giúp của các công ty, nhà sản xuất khác giống như dây đai bảo hiểm, lần leo tiếp theo họ sẽ phải tự làm một mình, nguy hiểm và cơ hội thành công thấp.
Trong 2 năm trở lại đây, có rất nhiều hãng smartphone đi xuống mạnh mẽ và thậm chí phải rút khỏi nhiều thị trường. LG sau một loạt các dòng máy gặp lỗi bootloop đã mất lòng tin người dùng nhanh chóng, phải thu nhỏ mảng thiết bị di động. HTC hoạt động thua lỗ, không có tiền để đầu tư vào R&D nên tạo ra các sản phẩm chất lượng kém, ít người quan tâm. Sony vẫn có hy vọng vào mảng smartphone, nhưng cũng đã phải rút khỏi nhiều thị trường Việt Nam vào đầu tháng này.
Bất cứ hãng công nghệ nào ra đi cũng đều đáng tiếc vì sự cạnh tranh luôn luôn có lợi cho người dùng, thế nhưng sự đi xuống của Huawei chắc chắn sẽ có tầm ảnh hưởng cao nhất. Quý I năm nay, Huawei chiếm tới 15% thị phần của thị trường smartphone, tức còn cao hơn con số 13.5% của Apple. Số lượng máy Huawei bán ra nhiều, thì lượng linh kiện hãng mua vào cũng khổng lồ, là nguồn sống của rất nhiều công ty cung cấp khác nhau.
Micron Technologies, hãng cung cấp bộ nhớ gắn trong cho các smartphone hiện đang có tới 15% lợi nhuận đến từ Huawei. NeoPhotonics, một hãng tại San José, Mỹ hiện đang cũng có một hợp đồng xây dựng mạng không dây với hãng điện tử Trung Quốc có trị giá tới hơn 44% thị phần của họ. Đến cả Samsung - hãng đang cạnh tranh trực tiếp với Huawei cũng được giới chuyên gia cảnh báo rằng sẽ chịu một phần thiệt hại vì đang cung cấp tấm nền màn hình smartphone cho Huawei.
Không dừng lại ở đó, sự hiện diện của các sản phẩm trên Huawei trên thị trường sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường smartphone. Nếu như không có Huawei 'thúc từ phía sau', chắc chắn Samsung vẫn chậm phát triển các công nghệ mới vì không có đối thủ 'ngang tài ngang sức'.
Bị Huawei (cùng với các smartphone Trung Quốc khác) chiếm mất thị phần sản phẩm tầm trung, Samsung mới 'thay máu' toàn bộ sản phẩm của mình và ra mắt A50, A70 mới mẻ và nhiều tính năng hay. Huawei như đã đề cập cũng là một hãng đi đầu trong việc thử nghiệm phần cứng cho vấn đề chụp hình mạnh mẽ, kèm theo đó là áp dụng AI để nhận diện và tối ưu cảnh để các hãng khác học tập.
Cả Huawei và Samsung trong quá khứ đều bị người dùng chê bai nặng nề vì giao diện Android rối mắt, khó sử dụng và thua xa hãng 'chỉ' chiếm vị trí thứ 3 trên thị trường là Apple với iOS. Đây là động lực để Samsung đổi mới phần mềm của mình, ra mắt OneUI được báo giới và người dùng đánh giá rất cao. Ta chưa thấy được sự thay đổi của Huawei thì hãng này đã bị rút giấy phép sử dụng toàn bộ hệ điều hành Android - thật đáng tiếc!
Một khía cạnh nữa cũng rất đáng nói, đó là số phận của các sản phẩm smartphone màn hình gập (Foldable). Sau nhiều tin đồn và các bản đăng ký bản quyền được lộ ra, thì cả Samsung và Huawei cũng đã ra mắt bộ đôi smartphone màn hình gập đầu tay của mình là Galaxy Fold và Mate X. Ngoại trừ Royole là một hãng sản xuất màn hình, ra mắt smartphone màn hình gập chỉ để cho người dùng thấy khả năng...sản xuất màn hình của mình, thì chỉ có Huawei và Samsung là đủ khả năng để tạo ra những sản phẩm đủ hoàn thiện để đặt trước, và sau đó là tiếp tục phát triển lâu dài.
Chiếc Galaxy Fold sau một thời gian được gửi đến các reviewer để thử nghiệm thì đã xuất hiện lỗi màn hình do thiết kế chưa hoàn thiện. Samsung đã phải hoãn các đơn đặt trước để trở lại bàn vẽ, vá những lỗ hổng còn tồn tại. Nhưng xu hướng smartphone còn bị dội thêm một gáo nước lạnh nữa, sau khi Huawei gặp những biến cố đã kể trên. Việc sản xuất những smartphone thông thường hình chữ nhật đã khó khăn với Huawei, thì làm sao họ có thể tiếp tục phát triển các sản phẩm đột phá, mới mẻ?
Mất Huawei, thị trường smartphone mất đi một nhà sản xuất có tài chính dồi dào cho quá trình R&D để tạo ra những công nghệ mới, dám áp dụng chúng vào các sản phẩm thương mại, một người đi tiên phong trong xu hướng smartphone gập. Viễn cảnh tươi sáng nhất cho thời điểm hiện tại là Mỹ và Trung Quốc sẽ 'bắt tay làm hòa' để Huawei có thể tiếp tục hoạt động, điều đó có xảy ra không thì chỉ thời gian mới trả lời được!