- Khi nhận thông tin năm nay không thi tuyển vào lớp 6, cảm giác đầu tiên của tôi là hụt hẫng, trong khi chồng lại rất mừng.

Con sắp bước vào năm cuối của bậc tiểu học, tôi vốn dự định tìm thầy, tìm lớp cho cháu đi học thêm, chuẩn bị tinh thần để thi vào một trường chuyên khi lên cấp 2. Theo tôi, trường chuyên là môi trường tốt nhất để cháu học tập, tích lũy kiến thức. Sau này việc tiếp tục học lên trường chuyên ở bậc THPT cũng thuận lợi hơn. Đó chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đại học trong tương lai.
 {keywords}

Bây giờ Bộ GD-ĐT không cho phép thi tuyển nữa, nỗi lo học thêm, luyện thi được trút bỏ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm. Mô hình trường chuyên, lớp chọn đã tồn tại suốt một thời kỳ dài. Thậm chí ở các trường bình thường cũng có lớp chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi. Mọi người đều mặc định rằng đã gắn với chữ “chuyên” thì luôn là chất lượng tốt nhất, đầu vào tốt, đầu ra hoàn hảo. Học sinh trường chuyên luôn được đánh giá cao hơn những trường khác.

Theo tôi, nguyện vọng được học tập ở những ngôi trường chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Nhất là những học sinh có năng lực, có tố chất thì việc được học trong môi trường giáo dục chất lượng cao càng giúp các em phát triển tốt hơn. Nếu chỉ được học đúng tuyến, ở những trường tiếng tăm “thường thường” thì cơ hội này không còn nữa. Đó có phải là một sự lãng phí tài năng?

Mặt khác, việc bỏ thi vào lớp 6 rất dễ tạo ra tình trạng mất công bằng, đi cửa sau. Những gia đình có khả năng về kinh tế và các mối quan hệ xã hội sẽ có cách để đưa con cái họ vào trường chuyên dù không đúng tuyến. Cuộc cạnh tranh thi cử của học sinh sẽ chuyển thành cuộc đua của các phụ huynh. Mà cuộc đua này thường quyết liệt và thiếu công bằng.

Trước đây, tôi mong muốn con được học ở một trường chuyên dù việc thi cử luôn rất khắt khe, cạnh tranh quyết liệt. Trong quá trình đó, còn phải mất nhiều công sức, tiền bạc, thời gian để đổ vào những lớp luyện thi. Nhưng đó là cái giá xứng đáng, bởi qua thi cử năng lực, trình độ của con em chúng ta sẽ bộc lộ chân thực nhất. Khi con bạn đạt đủ điểm vào trường chuyên qua kỳ thi sát hạch chứng tỏ đó là một học sinh có năng lực thực sự.

Trước mắt, việc bỏ thi sẽ giảm áp lực học hành cho trẻ nhưng việc xét tuyển có công bằng và có tiến tới xóa được mô hình trường chuyên, lớp chọn hay không thì rất khó nói. Nếu được lựa chọn, tôi vẫn nghiêng về phương án tổ chức thi tuyển như cũ.

Nhiều ý kiến ngược

Trái ngược với những băn khoăn của tôi, nhiều đồng nghiệp, bạn bè lại tỏ ra rất hào hứng.

Chị Vân Anh (ở Lương Yên, Hà Nội) cho rằng, chủ trương này là đúng đắn, sẽ làm giảm tải áp lực học tập của học sinh, để bọn trẻ sẽ có thời gian vui chơi, không phải vất vả ban ngày đi học, buổi tối đi luyện thi, thời gian ngủ cũng chẳng có. Bố mẹ cũng đỡ phải nơm nớp lo lắng chuyện học hành, thi cử của con.

  {keywords}
Thông báo hoạt động của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trong kỳ tuyển sinh cho năm học 2014 - 2015. Ảnh: Văn Chung

Theo chị, học ở trường nào cũng vậy, miễn là con mình chăm chỉ, chịu khó phấn đấu. Tốt nhất là xóa bỏ mô hình trường chuyên, lớp chọn để không còn khoảng cách, sự phân biệt trình độ giữa học sinh các trường với nhau. Đó mới thực sự là một nền giáo dục công bằng, dân chủ.

Chồng tôi, một người vốn luôn không ủng hộ trường chuyên, lớp chọn, học thêm, dạy thêm, thì vô cùng phấn khởi khi biết “mệnh lệnh” mới của ngành giáo dục. Bởi con trai khỏi phải đi học thêm, học nếm nữa, bố cũng đỡ được cái việc đưa đi đón về hết sức phiền toái.

Bác N.V. Trinh (P.Thanh Xuân Trung, Hà Nội), cũng cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn nhưng chưa biết có mang lại hiệu quả không. Nguyện vọng cho con cái đi học ở những trường chất lượng cao của người dân cũng rất chính đáng.

Theo bác Trinh, việc xét tuyển vào lớp 6 phải được thực hiện công khai, minh bạch, các cơ quan chức năng phải có quy định cụ thể, rõ ràng, nếu có khe hở thì rất dễ gây tiêu cực. Vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, đồng bộ ở tất cả các nhà trường để học sinh ở đâu cũng được hưởng môi trường giáo dục như nhau. Như vậy thì mới có thể xóa bỏ tâm lý “sính” trường chuyên, trường điểm của các phụ huynh như hiện nay.

Độc giả Đỗ Quyên