Phần 1: Hoàng Thành Thăng Long trong tương quan với các kinh đô cổ

Phần 2: GS. Phan Huy Lê: Đã xác định được Cấm Thành Thăng Long

Phần 3: GS. Phan Huy Lê: Vẫn còn giải pháp hay cho Cấm Thành

Sau khi Bộ Quốc phòng chính thức bàn giao 9.395 mét vuông thuộc khu di tích Thành cổ Hà Nội (phần diện tích thuộc Cục Nhà trường và Trung tâm Thông tin D75 trước đây) cho thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội ngay lập tức lên kế hoạch phá dỡ 58 công trình kiến trúc mới không có giá trị để trả lại không gian kiến trúc cổ cho trục Thần đạo: Bắc Môn - Hậu Lâu - Kính Thiên- Đoan Môn.

Ông Trần Quang Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội thông báo: Chúng tôi đã kết hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành lập hồ sơ công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di tích đặc biệt cấp quốc gia và sẽ phát triển hồ sơ này thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di tích này là Di sản văn hóa thế giới. 

Hoangthanh2.jpg

Như vậy là khu Thành cổ với trục Thần đạo (trục chính của Cấm Thành) đã thông suốt. Những công trình kiến trúc nổi hiếm hoi như Bắc Môn, Hậu Lâu, điện Kính Thiên, Đoan Môn...dù chúng ta cố gắng gìn giữ thì cũng chưa đủ sức thuyết phục cho sự tồn tại của một kinh thành cổ tồn tại qua 1000 năm với các lớp văn hóa rực rỡ kế tiếp nhau. Việc phát lộ những dấu vết kiến trúc thuộc trung tâm Cấm Thành, khu 18 Hoàng Diệu, đã bổ sung hoàn hảo cho sự khuyết thiếu này.

Nếu coi đường Hoàng Diệu như gáy một cuốn quốc sử thì trục Thần đạo với các công trình kiến trúc nổi giống như trang bìa cứng bằng vàng còn khu 18 Hoàng Diệu như những trang sách được mở ra với rất nhiều thông tin chính xác, đặc biệt quan trọng mà chúng ta chưa đủ sức hiểu ngay hết giá trị của chúng.

Ý thức rõ giá trị của cả Di tích Thành cổ Hà Nội, đặc biệt là khu 18 Hoàng Diệu, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gửi kiến nghị số 52/HSH tới các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước về ý định xây Nhà Quốc hội mới trên di tich đặc biệt quý hiếm này, trong đó có đoạn:

"Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân và đại biểu quốc hội là những người đại diện cho quyền lợi, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, hoàn toàn không nên xây dựng Nhà Quốc hội trên khu di tích mang ý nghĩa thiêng liêng mà kiến trúc hiện đại chắc chắn sẽ phá vỡ không gian văn hoá-lịch sử và dù thu hẹp đến đâu cũng xâm hại một di sản văn hoá vô giá của dân tộc được các tầng lớp nhân dân rất quan tâm và mong muốn được bảo tồn toàn bộ. Chúng tôi tin rằng các đại biểu Quốc hội ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, sẽ có quyết định sáng suốt, hợp lòng dân."

GS sử học Đinh Xuân Lâm- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Lâu nay tôi cứ đinh ninh đã có quyết định chính thức sẽ xây nhà Quốc hội ở ngoài khu vực Cấm Thành, còn vấn đề tranh cãi của di tích 18 Hoàng Diệu chỉ là cách thức bảo tồn, giữ gìn cho tốt nhất để có thể nghiên cứu dần dần. Bây giờ lại có ý kiến muốn xây nhà Quốc hội trong Cấm Thành, khiến những người làm sử chúng tôi quá băn khoăn, lo lắng. Dù với lý do tâm linh thì không phải chỉ trong Cấm Thành mới là đất thiêng, ngày xưa xây Lăng Bác chúng ta cũng không chọn vị trí ở trong phạm vi Cấm Thành.

Nếu xây Nhà Quốc hội mới trong Cấm Thành, kể cả có giữ lại khu A, B thì với một công trường lớn cả ngàn người, với những kỹ thuật xây dựng hiện đại thì di sản Cấm Thành- vốn mong manh, còn nguyên vẹn là do được bảo vệ dưới lòng đất- sẽ bị phá hủy. Nghĩa là ta tàn phá một di sản quý giá độc nhất vô nhị của dân tộc Việt Nam.

Di tích này đã nhận được sự đánh giá rất cao của giới khoa học quốc tế. Các chuyên gia Nhật Bản khi so sánh với di sản thế giới, cố đô Nara của họ, cũng cho rằng Hoàng Thành của ta có nhiều giá trị hơn. Chính các chuyên gia quốc tế hiểu được chân giá trị của Hoàng Thành và chủ động gợi ý ta làm hồ sơ để được công nhận di sản thế giới, đây là chuyện xưa nay hiếm. Trong khi đó ta lại quá chần chừ, để di tích dãi dầu sương gió nhiều, mãi gần đây mới có mái che bảo vệ. Vậy là ta chưa có sự trân trọng đúng mức với di tích. Với một gia tài quý giá như thế- nằm ở trung tâm của Cấm thành, chỉ cách điện Kính Thiên có 87m, đòi hỏi sự nghiên cứu sâu để hiểu hết những giá trị đích thực.

Chọn xây nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu thì sẽ rất hạn chế về quy mô, lại nằm trong một không gian chật hẹp. Quan trọng hơn là chúng ta sẽ hủy hoại di sản quý giá, làm mất hoàn toàn khả năng có một di sản văn hóa thế giới, điều này sẽ khiến giới khoa học quốc tế rất bất ngờ. Nếu quyết định xây trong khu Cấm Thành, tôi cho đó là quyết định sai lầm mang tính lịch sử, không cách nào chữa được. Trong phạm vi Cấm Thành thì dù xây ở đâu thì khi đào lên cũng sẽ lại thấy dày đặc di tích tầng tầng lớp lớp mà thôi và khi đó theo Luật Di sản, chúng ta phải ngưng lại.  

Chúng ta xây Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Mỹ Đình đã có được quy mô và vị trí xứng đáng, được các đại biểu quốc tế về dự APEC 2006 đánh giá rất cao. Còn nếu muốn ở trong khu chính trị Ba Đình thì vị trí cuối đường Hùng Vương (chỗ cắt đường Trần Phú) vẫn nằm trong Hoàng Thành nhưng ở ngoài Cấm Thành, lại sẽ rất cân đối, hài hòa trong cả quần thể với trục chính: Lăng Bác Hồ, tượng đài liệt sỹ Bắc Sơn và di tích Cấm Thành - Thành cổ Hà Nội sau này sẽ quy hoạch thành công viên lịch sử văn hóa).  

PGS.TS. Hà Văn Phùng - Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam:

Vấn đề bức xúc đặt ra vẫn là chuyện giải phóng mặt bằng cho Cấm Thành. Lúc khai quật khu 18 Hoàng Diệu tôi có được sang Ý để học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản. Nghe tôi trình bày Cấm Thành có sự bổ sung hoàn hảo giữa khu Thành cổ Hà Nội (phần kiến trúc nổi) và khu 18 Hoàng Diệu (phần kiến trúc chìm khuất), họ đã nói ngay: "Tình hình ở Việt Nam bây giờ cũng giống như nước Ý sau chiến tranh, chưa đủ ăn, đủ mặc nên có một vật đó gì đèm đẹp thì nghĩ ngay đến việc bán nó đi để giải quyết lúc đói. Lúc đã khấm khá, đã no đủ nếu muốn có lại cái vật kia thì đã muộn, nó mất rồi còn đâu?".

Tôi cũng đã đi nhiều, nhiều nước như Ba Lan, Liên Xô, Ý, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… rõ ràng mỗi di tích của họ rất được trân trọng. Di chỉ, di vật được coi như bảo vật của quốc gia nên người ta bảo vệ và làm rất chu đáo. Ví dụ như Thành Rome, đấu trường La Mã,….

Đó là một bài học nhãn tiền! Nếu chúng ta xây Nhà Quốc hội mới lên trên khu di tích 18 Hoàng Diệu thì có thể được một công trình kiến trúc hiện đại nhưng sẽ mất đi vĩnh viễn một di sản đặc biệt quý hiếm của cả Việt Nam và thế giới. Những công trình xây dựng rồi cũng sẽ đến lúc lạc hậu. Đôi khi chưa chắc ta đã xây đẹp bằng những nước khác hoặc ở một vị trí khác.

Chúng ta mới mở một góc Thành cổ Hà Nội, dẫu chỉ còn một góc ở đường Nguyễn Tri Phương, dẫu chỉ còn hai con rồng đá ở điện Kính Thiên mà người dân cả nước và khách quốc tế đã nô nức kéo đến chiêm ngưỡng. Nếu quy hoạch cả khu Thành cổ Hà Nội và khu 18 Hoàng Diệu thành một quần thể lịch sử - văn hóa thì sức thu hút còn mạnh đến đâu.

Quan điểm của tôi là: Giữ và giữ đến cùng.

GS - TSKH Vũ Minh Giang - PGĐ. Đại học Quốc gia HN, nguyên Chủ nhiệm Khoa lịch sử - ĐHKHXH&NV Hà Nội:

Mọi quyết định liên quan đến Cấm Thành đều có tính lịch sử và đòi hỏi tầm văn hoá rất cao, bởi nếu sai lầm sẽ không có hy vọng sửa chữa. Nếu chúng ta không thực sự biểu thị thái độ trân trọng đúng mức với di tích, làm phương hại đến tính nguyên gốc và toàn vẹn của di tích thì khả năng di tích được công nhận là di sản văn hoá thế giới đã nằm trong tầm tay có nguy cơ tuột mất.

Để hiểu hơn giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long, có thể xem di tích kinh đô Nara của Nhật Bản, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, như một kinh nghiệm quý báu. Nara chỉ là kinh đô của Nhật Bản trong 74 năm (từ năm 710 đến 784), trong khi đó Thăng Long là kinh đô Đại Việt tới gần 1000 năm. Trên thế giới không có nhiều thủ đô có lịch sử lâu đời như vậy.

Những gì người Nhật tìm thấy ở Nara cũng chỉ là dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc, những cung điện đã biến mất. Thấy người Nhật và khách quốc tế nườm nượp xếp hàng vào thăm quan các nền cung điện với những lỗ chôn cột (chứ đâu có được tảng đá kê chân cột như ta) mới hiểu vì sao người ta đánh giá cao di tích Thăng Long của ta. Cung điện được xem là lớn nhất của họ có 18 hố chôn cột, trong khi đó dấu tích cung điện của ta có tới trên 40 tảng kê chân cột, nghĩa là quy mô to hơn rất nhiều. Hệ thống thoát nước của họ là những ống nối với nhau, còn ta đã xây cống, xây kè, trổ ngang, tầng trên tầng dưới, thể hiện trình độ rất cao.

Phần lớn những gì còn lại của Nara chỉ là phế tích, còn khi khách đi thăm, các chuyên gia sẽ thuyết minh, sẽ giúp cho họ tưởng tượng lại về thế hệ cha ông hơn 1000 năm về trước. Với những dấu tích chỉ còn lại vài bậc thềm, cả những vết gạch xô vẹo, họ cũng phác dựng lại mô hình các công trình kiến trúc mà các thế hệ con cháu có thể tìm cách phục dựng. Cũng phải nhắc lại người Nhật cũng đã từng phát hiện di tích Nara một cách tình cờ khi triển khai một công trình xây dựng. Khi đó vì khả năng tài chính và trình độ khoa học còn hạn chế, nhưng người Nhật hiểu được giá trị của di tích nên họ đã lấp lại để đến khi có điều kiện họ mới khai quật trở lại và giờ đây đã trở thành một di sản văn hoá thế giới nổi tiếng.

Nếu xây một công trình hiện đại ở di tích 18 Hoàng Diệu, cái được sẽ chỉ là vị trí của tòa nhà, chỉ thế thôi. Trong khi đó cái mất sẽ rất nhiều. Chiều cao, quy mô chắc chắn bị khống chế. Và quan trọng hơn cả là việc xây dựng sẽ xung đột với di tích. Quá trình thi công chắc chắn sẽ rất phức tạp, không ai dám chắc là di tích sẽ không bị xâm hại. Chắc gì trong qua trình đào móng sẽ không vướng di tích ở những vùng ta chưa động đến trước đây? Và nếu gặp di tích thi theo Luật di sản, việc xây dựng sẽ phải dừng lại.

Khánh Linh