Một chút thời gian nữa thôi, chúng ta sẽ cùng nhau bước từ năm Canh Tý sang năm mới Tân Sửu tính theo lịch truyền thống mà ta vẫn thường gọi là Âm lịch. Với người phương Tây, ta vẫn hay dịch Âm lịch là lịch Mặt trăng cho dễ phân biệt với Dương lịch đã được quốc tế hoá chỉ tính toán theo Mặt trời.
Theo Dương lịch, tên các năm được gán cho một số nguyên cứ thế tăng mãi theo tương lai kể từ thời điểm “0” do con người quy ước. Đây là khoảng thời gian sau Công nguyên. Hướng về quá khứ, tên các năm cũng là số nguyên tăng dần nhưng không có dấu âm (-) mà gán thêm từ “trước công nguyên”. Theo Dương lịch, thời gian là vô tận.
Người Hà Nội đi chợ hoa Tết truyền thống. Ảnh: TTXVN |
Dương lịch chỉ tính toán theo Mặt trời, một năm là khoảng thời gian Trái đất quay một vòng quanh mặt trời. Một năm chia thành 12 tháng. Một ngày là khoảng thời gian Trái đất tự xoay được một vòng quanh trục của nó.
Âm lịch thì khác, thời gian có chu kỳ. Ngày và năm được tính như Dương lịch. Tháng được tính theo Mặt trăng, là khoảng thời gian Mặt trăng quay một vòng quanh trái đất bắt đầu tại thời điểm tâm Mặt trời, Mặt trăng và trái đất nằm trên cùng một đường thẳng.
Trên đường Trái đất quay quanh Mặt trời, người ta chia quỹ đạo thành 12 phần bằng nhau và quan tâm tới 4 điểm chính giữa của 4 mùa gọi là Xuân phân, Hạ chí, Thu phân và Đông chí. Thời điểm bắt đầu của mùa xuân là điểm đầu năm. Như vậy, Âm lịch không thuần chỉ dựa vào mặt trăng mà dựa vào cả Mặt trời nữa, bám sát được mọi thực thể vũ trụ gần Trái đất nhất, nên gọi là Âm - Dương lịch mới chính xác.
Tên của năm cũng được đặt dựa trên quy tắc thời gian có chu kỳ. Người ta ghép giữa 10 Thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh,…) và 12 Địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, …) mà thành tên Giáp Tý, Ất Sửu,... Như vậy, một vòng các năm là 60 năm, vẫn gọi là Lục thập hoa giáp.
Bước sang năm Tân Sửu, ai cũng muốn nhìn và hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Quốc gia tiến tới hùng cường. Người dân được ấm no và công bằng. Con đường đi lên đã được hoạch định tại Văn kiện Đại hội Đảng khóa 13 với mục tiêu đầy tham vọng cho dân tộc tại các thời điểm 2025, 2035 và 2045, tiến tới một đất nước phát triển. Mặt khác, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 ở nước ta cũng làm ra e ngại tại thời điểm bước sang năm mới.
Thời gian vốn là một yếu tố vật lý phức tạp, con người vẫn chưa nhận thức được thật minh bạch. Theo vật lý truyền thống của Newton thì thời gian vô tận là dễ cảm nhận được. Theo vật lý tương đối của Einstein thì thời gian đang đứng trước những cầu hỏi lớn về giới hạn và chu kỳ. Theo khoa học vật lý chính xác là như vậy.
Theo triết học phương Đông tạo nên cách tính lịch truyền thống của ta, thời gian có chu kỳ 60 năm. Tôi cũng có thời gian nghiên cứu để so sánh các loại lịch trên thế giới, cũng nghiền ngẫm nhiều về yếu tố chu kỳ của Lục thập hoa giáp. Tôi có cảm giác tính chu kỳ về thời gian của triết lý này là đúng, chu kỳ về quy luật tác động của vạn vật.
Nhìn lại Tân Sửu 1961
Đứng trước năm Tân Sửu, nhìn lại năm Tân Sửu trước đây xem sao. Năm Tân Sửu trước (1961), nhà thơ Tố Hữu đã viết “Bài ca mùa xuân 1961” với lời thơ “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng” và “Việt Nam, dân tộc anh hùng / Tay không mà đã thành công nên người!” thật sảng khoái.
Vào năm Tân Sửu ấy, kinh tế Việt Nam đã là một điểm sáng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Mùa màng bội thu như một kết quả vượt mức do phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được xây dựng từ 1959 mang lại. Nông dân phấn khởi cộng sức trên các cánh đồng lớn hợp tác đã tạo nên mùa màng bội thu.
Rất tiếc, do bị chiến tranh chi phối nguồn lực, do nóng vội đẩy lên quá sớm mô hình hợp tác xã bậc cao mà không đầu tư được công nghệ tương xứng và do không loại trừ được tham nhũng, các hợp tác xã đã bị suy thoái. Đổi mới đã phải quyết định thay thế quan hệ sản xuất hợp tác xã bằng quan hệ sản xuất hộ gia đình thông qua chính sách giao đất của các hợp tác xã cho các hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định, lâu dài.
Từ đây, có thể rút ra kinh nghiệm về những việc cần làm để bảo đảm phát triển bền vững. Một là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao là một động lực trọng yếu cho phát triển kinh tế. Hai là phòng, chống tham nhũng để tạo bình đẳng xã hội là yếu tố xác lập tính bền vững.
Vì một tương lai trở thành đất nước hùng cường
Đứng trước năm mới Tân Sửu, cơ hội lớn đã đến khi Việt Nam đang được thế giới đánh giá rất cao về thành tích chống dịch bệnh Covid và vẫn phát triển được kinh tế.
Đại hội Đảng 13 đã xác định được mục tiêu phát triển đất nước trở nên hùng mạnh. Con người Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế đánh giá có tiềm năng cao. Cơ hội dịch chuyển dòng đầu tư vào Việt Nam đã và đang chuyển thành hiện thực. Nhiệm vụ đô thị hoá, công nghiệp hoá, nông nghiệp quy mô lớn, dịch vụ chất lượng cao và sự phát triển công nghệ thế hệ thứ tư đang mở đường cho Việt Nam phát triển. Hoàn cảnh nước ta hiện nay đang trong quy luật tương tự như năm Tân Sửu trước (1961). Thời cơ lớn nhưng ta phải làm sao để đừng bỏ lỡ.
Muốn vậy, biện pháp chủ yếu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với áp dụng công nghệ cao và xây dựng thể chế phù hợp để loại trừ tham nhũng. Quốc gia cần có sức cạnh tranh cao. Mỗi người dân cần được hạnh phúc và công bằng để tạo dựng khối đoàn kết toàn dân vì một tương lai trở thành đất nước hùng cường.
Đặng Hùng Võ
Vì mùa xuân bình yên, dựng lũy thép kiểm soát chặt biên giới
Những ngày giáp Tết, các chiến sĩ quân hàm xanh dựng lũy thép, ngày đêm kiên cường bám trụ vì bình yên trên dải biên cương miền Trung.