2009.jpg

Bài liên quan:

7 sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật năm 2009

Ngày cuối cùng trong năm đang trôi qua và bài tập cuối cùng của năm 2009 cho các phóng viên, biên tập viên CNTT-TT báo Bưu điện Việt Nam là viết cảm nhận về một khía cạnh đời sống CNTT-TT của Việt Nam trong năm 2009 mà bản thân thấy tâm đắc, thích thú hay trăn trở. Đề bài như vậy hóa ra lại khó, bởi ai cũng có quá nhiều điều muốn bày tỏ nhưng chỉ có giới hạn dung lượng từ nhất định, góc nhìn nhất định.

8.jpg
Sự kiện lọt khe

Cuối năm, báo nào cũng hối hả bình chọn sự kiện tiêu biểu. Mỗi báo có cách nhìn nhận và đánh giá sự kiện riêng, vì vậy hầu hết các vấn đề nổi bật của “làng” ICT Việt Nam năm nay đều được nhắc đến.

Nhưng có sự kiện mà hầu như không báo nào đề cập đến là phần mềm nguồn mở vẫn nói suông ở Việt Nam. Hồi đầu năm, Bộ TT&TT đã ra chỉ thị về phần mềm nguồn mở, đặt ra mục tiêu 70% máy trạm của các cơ quan cấp Bộ và tỉnh phải cài đặt một số phần mềm nguồn mở (OpenOffice, Firefox, Unikey, Thunderbird) và tối thiểu 40% cán bộ công chức biết sử dụng các phần mềm đó trong công việc tính đến hết ngày 31/12/2009.

Chỉ thị trên ngay khi ra đời đã khiến những người “cổ súy” nguồn mở rất hồ hởi, tin rằng đó sẽ là “cây gậy” để nguồn mở đi vào ứng dụng trong các cơ quan nhà nước. Nhưng đến nay, khi năm 2009 đã qua. Liệu có bộ ngành và địa phương nào, kể cả những nơi ứng dụng CNTT mạnh mẽ như TP.HCM, Hà Nội hay Bộ Tài chính dám nói đã đạt được 50% mục tiêu trên. Rõ ràng nguồn mở vẫn chỉ nói suông ở Việt Nam.

Minh Tiến, Biên tập viên ICTnews

Linh--ICT-gui-Hanh.jpg
Cầu chúc an lành

Chẳng ai muốn nhắc lại chuyện nhổ cột của viễn thông Lâm Đồng, chuyện dọn dẹp mạng nhện mà cắt nhầm cáp làm ở quận 5 (TP.HCM), chuyện tưởng cáp đang xài thành cáp bỏ đi mà hạ luôn ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) để hàng trăm thuê bao không a-lô, truy cập được... Ấy là cái chuyện: cơ sở hạ tầng dùng… riêng, theo kiểu đèn ai nấy tỏ.

Cũng về hạ tầng, không phải không có niềm vui với sự kiện hôm 27/11/2009 tại TP. Vũng Tàu, VTI (VNPT) đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển quốc tế AAG dung lượng 2 Terabit/giây kết nối trực tiếp tới Bắc Mỹ, có nghĩa người dùng Việt Nam có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ dữ liệu, đa phương tiện chất lượng cao.

Vào năm mới, ai cũng cầu mong cho sự bình an-phú quý. Với tôi, sự bình an cho đời sống ICT thì ít ra cũng tác động hàng triệu thuê bao điện thoại (cố định, di động) và cư dân mạng.

Nguyễn Tiến Linh, Trưởng Văn phòng đại diện tại TP.HCM

Kim-Long.jpg
Nói không với… video call!

Hơn một năm rồi ít đi, ít viết vì bận những công việc “ngoài mặt báo” được (hay bị nhỉ?!) các sếp giao, cũng bứt rứt lắm. Ở nhà mãi dần quen, lại đâm hoảng, quyết tâm sẽ đi “mài bút” trong năm 2010, không thì “lụt nghề” mất!

Ở nhà, nên khi sếp bảo viết về cảm nhận đời sống ICT Việt Nam trong năm 2009 chắc mình chỉ nhìn bằng con ếch ngồi đáy giếng thôi. Nhưng dù gì thì vẫn cảm nhận được dòng chảy sôi động của đời sống ICT Việt Nam ngày hôm nay, cảm nhận được sự khát khao sáng tạo và lập nghiệp, ghi danh của nhiều bạn trẻ trong lĩnh vực luôn mới mẻ và hấp dẫn này.

Hôm rồi gặp một bạn trẻ. Nó bảo: “Này, anh dùng 3G chưa, có dịch vụ video call hay phết!”. “Hay gì?”. “Ô anh, nhiều ‘em út’ đang tìm hiểu và tiếp cận với dịch vụ này lắm, để ‘show hàng’ cho tiện và linh động, không phải ôm chiếc webcam và PC nữa”. “Ừ, hay nhỉ”. Nhưng ngẫm kỹ, lại quyết không dùng nữa, nhỡ vợ bắt “show hàng” lúc đang “ngoài vùng phủ sóng” thì chít! Kekeke!!!

Đặng Kim Long, Trưởng ban ICT, Phó Trưởng ban thư ký Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009

hue-1.jpg
Về thôn quê hay ở thành phố?

Năm 2009, nhiều ban ngành chức năng của Việt Nam đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp đưa Internet về nông thôn. Mục tiêu là để người nông dân Việt Nam có điều kiện truy cập Internet, sử dụng Internet để nâng cao dân trí, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, mua bán qua mạng… Và kết quả là nhiều người dân thôn quê đã biết khai thác nhưng lợi ích mà Internet đem lại.

Thế nhưng, trái người với hình ảnh người nông dân, không ít cán bộ, công chức ở tại thành phố lớn, ở tại những Bộ lớn lại không được hoặc không chịu “phổ cập” dịch vụ này. Có cán bộ văn phòng ở một Bộ gửi tin cho báo là một bản thảo viết tay; Có nhân viên gửi bản thảo đã đánh máy vi tính nhưng lại không biết gửi email về toà soạn… Không biết, họ không không biết gì về Internet, về việc gửi email hay biết nhưng lười làm?

Trong thế giới ngày nay, chuyện này có thể so sánh với chuyện mù chữ trước đây. Thiết nghĩ, cùng với việc phổ cập Internet cho người nông dân, nhiều cán bộ, công chức ở thành phố cũng đừng quên vấn đề này.

Vũ Hoàng Huệ, Phó Trưởng ban Thư ký tòa soạn

hanh.jpg
“Cho tôi đến Sở TT&TT”

Trong chuyến đi công tác Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, một trong những điều bất ngờ nhất đối với tôi là mỗi khi muốn đến Sở TT&TT, tôi lại được đến Bưu điện.

Đinh ninh ở thị xã hay thành phố, số lượng đơn vị hành chính không nhiều, địa bàn lại không lớn nên tôi chỉ cần bắt xe ôm đến Sở TT&TT là xong, đỡ phải nhớ địa chỉ. Nhưng không phải như vậy. Ít nhất ở hai nơi, các bác xe ôm vốn thông thuộc đường xá nhất lại không biết Sở TT&TT ở đâu hoặc chở tôi đến Bưu điện.

Tại Trà Vinh, bị mấy bác xe ôm ở chợ Thị xã từ chối vì Sở TT&TT ngay đấy. Thực ra, đó là Bưu điện và Viễn thông thị xã. Đến thành phố Long Xuyên (An Giang), khi biết tôi muốn đến Sở TT&TT, bác xe ôm gật đầu ngay và chở đến… Bưu điện tỉnh. Hỏi chẳng ai biết Sở TT&TT, biết Sở TT&TT ở đâu, bác xe ôm gợi ý tốt nhất đến UBND tỉnh, chắc các Sở cũng quanh đâu đó.

Hẳn do ‘tuổi đời’ Sở TT&TT non trẻ nên người dân chưa biết đến hoặc nhầm lẫn với Bưu điện. Nhưng chẳng biết đến bao giờ, ‘thương hiệu’ Sở TT&TT mới hết bị nhầm thành Bưu điện?

Lê Hạnh, Phó Trưởng ban ICTnews

Le-My..jpg
Trắc ẩn game Việt

5 năm game online ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất một game do Việt Nam phát triển ra đời, hơn 40 game còn lại đều là hàng “nhập ngoại” khiến cho nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Nhà phát hành chịu đầu tư vào game Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không thể đổ lỗi cho việc còn quá nhiều khó khăn nên khó phát triển game Việt, bởi VinaGame đã thành công với game Thuận Thiên Kiếm và chất lượng được xác nhận là không thua kém các game online của nước ngoài đang phát hành trên thị trường đó sao? Cho nên cái quan trọng để game online Việt phát triển và có thể cạnh tranh ngay trên chính sân nhà của mình trong thời gian sắp tới theo tôi nghĩ vẫn tùy thuộc vào việc chú trọng về đầu tư phát triển của nhà phát hành trong thời gian tới. Và hy vọng sẽ có nhiều nhà phát hành khác quan tâm đến lĩnh vực này hơn nữa để chúng ta khỏi mang tiếng chỉ lo “làm giàu cho thị trường game online của nước khác và lép vế ngay trên chính sân nhà”.

Lê Mỹ, Phóng viên, Văn phòng đại diện TP.HCM

Luong-Huong.jpg
Làm IT ở Việt Nam nổi là bị “ném đá”?

Gần như bất cứ phát ngôn nào hơi “ấn tượng” của Giám đốc Bkis Nguyễn Tử Quảng đều được lôi lên các diễn đàn trực tuyến để mổ xẻ và kết luận rằng ông giám đốc “nổ”, “quăng bom”…

Không khó để nhận ra trong số bình luận đó có vô số người chưa hề đọc qua bài báo, chưa biết “mặt mũi” sản phẩm của họ ra sao vẫn “nhảy” vào chê bai, gièm pha. “Thuật ngữ” chung của cư dân mạng trong trường hợp này là “bị ném đá hội đồng”. Thật là lạ.

Rồi đến lượt Giám đốc Naiscorp được xuất hiện trên tạp chí Forbes của Mỹ với việc đã từng từ chối lời đề nghị mua lại của Google. Rõ ràng chuyện Google đề nghị là có, chuyện từ chối cũng có thực và ông giám đốc này cũng chẳng “nổ” (thông tin có từ sự tìm hiểu của phóng viên nước ngoài)… Vậy mà rồi họ cũng “bị chém”, bị “ném đá” tơi bời.

Tự hỏi, phải chăng làm IT ở Việt Nam còn cần có thêm khả năng chịu bị “ném đá”?

Lương Hương, Biên tập viên ICTnews