Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh đã trả lời báo chí xung quanh chuyến công tác của Phó Thủ tướng.
Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, Hội nghị HSC là sáng kiến của Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) năm 2023, Thủ tướng Olaf Scholz đã bày tỏ những quan ngại về việc thế giới đang chậm tiến độ trong thực hiện các SDG và đề xuất tăng cường hỗ trợ tài chính, trong đó có tái thiết hệ thống tài chính thế giới, và thúc đẩy thương mại, bao gồm tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân.
Để thúc đẩy việc thực hiện các SDG, Thủ tướng Olaf Scholz đã mời lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế khu vực, doanh nghiệp và các bên liên quan tham dự Hội nghị HSC. Hội nghị này sẽ được đồng tổ chức bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), thành phố Hamburg và Quỹ Michael Otto.
Hội nghị Hamburg thu hút sự tham gia dự của hơn 100 đoàn đại biểu từ nhiều nước trên thế giới, gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, các tổ chức quốc tế, các quỹ lớn.
Mục tiêu của hội nghị là nhằm thúc đẩy đối thoại và quan hệ đối tác liên ngành, liên lĩnh vực mới giữa chính phủ các nước, doanh nghiệp, học giả và các bên liên quan; đề xuất các biện pháp đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có việc huy động hiệu quả các khoản đầu tư, tài chính cần thiết; triển khai các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vừa được tổ chức vào tháng 9/2024.
Tại hội nghị, các nước dự kiến sẽ thông qua 3 văn kiện gồm: Văn kiện vì tương lai, Văn kiện số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai, với nội dung toàn diện, đề ra những hành động, mục tiêu tham vọng trên tất cả lĩnh vực hợp tác của LHQ, với một số ưu tiên lớn như tăng cường nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ SDG, thiết lập các khuôn khổ mang tính nền tảng cho hợp tác số và đổi mới sáng tạo, cải tổ các thể chế quốc tế.
Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước, các đối tác quốc tế đề ra hướng hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững
Chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của chuyến công tác tham dự Hội nghị HSC của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Đại sứ Vũ Quang Minh cho hay: HSC diễn ra trong bối cảnh thế giới đã đi được hơn một nửa chặng đường trong việc thực hiện các SDG do LHQ đưa ra từ năm 2015 với thời hạn là năm 2030.
Tuy nhiên, theo báo cáo của LHQ thì đến nay có rất nhiều chỉ tiêu chậm tiến độ và có thể sẽ không đạt được.
Chính vì vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai từ 22-23/9 vừa qua tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cùng với lãnh đạo cấp cao của các nước đồng thuận thông qua các văn kiện hết sức quan trọng với nội dung rất toàn diện, đề ra những hành động, mục tiêu tham vọng trên tất cả lĩnh vực hợp tác của LHQ, trong đó có tăng cường nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các SDG, cải tổ các thể chế quốc tế…
Có thể nói Hội nghị HSC là một trong những hội nghị đa phương, nhiều bên đầu tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, nên đây sẽ là dịp để các nước, các bên liên quan cùng nhau thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy các SDG.
Chúng ta đến dự hội nghị lần này trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, nhất là về phát triển kinh tế và quan hệ đối ngoại. Hiện này, Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất, là điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Chúng ta có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 31 nước trên thế giới, trong đó có tất cả năm uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an.
LHQ luôn coi Việt Nam là điển hình trong việc đi đầu thực hiện các ưu tiên lớn của LHQ như thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, SDG, tham gia gìn giữ hoà bình, hỗ trợ nhân đạo, có cam kết mạnh mẽ và nghiêm túc thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững cùng nhiều văn bản pháp lý khác và đã đạt được nhiều thành tựu trong triển khai SDG trong những năm qua.
Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; Nghị quyết 34 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị 25 của Ban bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Chuyến đi cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược với Đức tiếp tục đi vào chiều sâu và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống, như chính trị, thương mại, đầu tư…, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới giầu tiềm năng như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, hợp tác lao động…
Là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tích cực tham gia thảo luận, đóng góp tại hội nghị nhằm cùng các nước, các đối tác quốc tế đề ra hướng hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời đây cũng là dịp để chúng ta vận động các nước, các tổ chức, quỹ quốc tế hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu lớn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.