Những ngày gần đây, ngoài việc mệt mỏi lê lết đi tìm điều hoà như một nguồn sống, cư dân mạng vẫn dành chút thời gian để ý tới một "biến" mới khá giật mình, liên quan đến vấn đề sạc pin điện thoại.
Cụ thể, một bài đăng về việc cắm sạc iPhone với củ sạc Samsung đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người - tuy chỉ là một cách để bắt đầu câu chuyện hơi giật gân rồi bất ngờ hài hước lái sang nội dung khác, không hề liên quan đến chất lượng sạc pin, nhưng nhìn chung vẫn gây nên nhiều thắc mắc về vấn đề này.
Bài post đang được rất nhiều người copy hoặc chia sẻ lại trên Facebook.
Vậy tóm lại, iPhone sử dụng dây sạc của mình nhưng lại kèm theo củ sạc của Samsung có thực sự gây nguy hiểm, rủi ro cháy nổ nào hay không?
Sạc pin điện thoại và những khái niệm cơ bản
Trên mỗi củ sạc, một vài thông số kỹ thuật sẽ được nhà sản xuất đính kèm và in lên thông báo cho người dùng. Trong đó, hiệu điện thế (V), cường độ dòng điện (A) và công suất (W) sẽ là 3 đơn vị chính gần như bắt buộc phải có.
Để cho dễ hiểu, hãy tượng tượng dòng điện sạc qua dây nối vào điện thoại cũng giống như một dòng nước đang chảy qua ống:
- V là áp lực của lượng nước đang sẵn sàng chảy vào ống.
- A là thể tích và lưu lượng nước chảy qua theo thời gian - đại diện cho tốc độ sạc nhanh hay chậm.
- W là thành quả cuối cùng (W = V x A) kết hợp từ V và A.
Do vậy, thông thường, chỉ cần V và A được thông báo là đủ, không cần thêm W trên bao bì và củ sạc.
Củ sạc khác nhau có thể thay đổi nhau an toàn hay không?
Câu trả lời là có, và cả không nữa. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu như mọi trường hợp sẽ đều là "có" vì những tiến bộ công nghệ làm đặc trưng sẵn có trong từng thiết bị ngày nay.
Về cơ bản, mọi cục pin trong điện thoại đều được thiết kế đi kèm các chip và mạch điện hỗ trợ, có tác dụng điều hoà lượng điện năng (A) nhận vào. Nói cách khác, chúng giống như các van nước, có quyền hạn đóng mở chật hẹp tuỳ ý để nước chảy vào nhiều hay ít, nhanh hay chậm. Đặc biệt hơn, khả năng này cũng có ở ngay trên từng củ sạc độc lập. Như vậy, ở 2 phía chiến tuyến đầu cuối - củ sạc và pin điện thoại - đều có những công cụ kiểm soát lượng điện.
Chính nhờ điều đó, bạn có thể dùng tạm một chiếc củ sạc có tính năng Quick Charge (sạc nhanh) cho chiếc smartphone "cùi bắp" của mình mà không lo nó nổ tung trời đất. Các bộ mạch và chip kiểm soát sẽ làm nhiệm vụ vốn có của chúng, biến củ sạc nhanh mạnh mẽ kia cũng phải hiền hoà như nước sông Hồng mùa đông, không thể cứ thế tích điện và dồn nén liên tục hơn mức cho phép của smartphone mà gây quá tải được.
Tuy nhiên, đôi khi vẫn có nhưng ngoại lệ, chẳng hạn như bạn dùng một củ sạc cũ, cổ lỗ và ít hỗ trợ thế hệ smartphone hiện đại ngày nay. Khả năng dễ xảy ra là tốc độ sạc chậm, có thể còn... không nhận dây sạc do chênh lệch công nghệ xa cách, hoặc dây nối không tương thích vì lý do khác nào đó. Kết quả ra sao tuỳ từng trường hợp, từng thương hiệu nên không thể nói trước 100%.