Trước thời điểm này, hơn 10 hiệp hội nước ngoài hoạt động trong ngành công nghiệp đồ uống có cồn đã gửi thư đóng góp ý kiến cho dự luật này. Một trong những vấn đề được góp ý nhiều nhất là qui định “nghiêm cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet”. Sách Trắng của Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vừa được công bố cũng đề cập vấn đề này.

Trong các bản góp ý của mình, các hiệp hội đều đánh giá cao tinh thần cởi mở, minh bạch và khách quan trong quá trình xây dựng luật. Phần lớn các hiệp hội này đều ủng hộ Việt Nam có 1 bộ luật nhằm kiểm soát và giảm thiểu các tác động tiêu cực của lạm dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, các hiệp hội cũng bày tỏ quan ngại về một số qui định mang tính phân biệt và hạn chế các hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Không thực tế và thiếu khả thi

Theo ý kiến của Hiệp hội các nhà sản xuất rượu mạnh Nhật Bản (Japan Spirits & Liqueurs makers Association), qui định về việc cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet là không thực tế và thiếu khả thi.

Hiệp hội chia sẻ thêm, tại Nhật Bản tất cả các loại đồ uống có cồn đều được bán trên Internet, miễn là bên bán đáp ứng được các điều kiện về thuế và giấy phép theo qui định pháp luật về kinh doanh rượu và về tiếp thị có trách nhiệm theo Bộ Quy tắc Tự quản của các nhà sản xuất đồ uống có cồn và các hiệp hội thương mại như hiệp hội bán lẻ.

{keywords}
 

Vì vậy, hiệp hội này kiến nghị Việt Nam xem xét “cho phép được bán trên Internet mọi loại rượu, bia được lưu hành hợp pháp không phân biệt về nồng độ cồn, nếu như người bán có giấy phép và đáp ứng các điều kiện kinh doanh trên Internet”.

Hiệp hội rượu châu Âu (spiritsEurope) đồng quan điểm cho rằng: “rất quan ngại khi điều khoản này cấm một hành vi kinh doanh hợp pháp được thực hiện trên Internet. Tại một số quốc gia Châu Âu, đồ uống có cồn, bất kể có nồng độ cồn là bao nhiêu, đều được phép kinh doanh trên Internet”. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội rượu châu Âu cũng đặt ra câu hỏi về tính hợp lý và hiệu quả của qui định cấm này khi chỉ cấm nhóm rượu, bia trên 15 độ cồn hiện đang chiếm dưới 3% của tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn hợp pháp trên thị trường theo báo cáo của Tổ chức y tế Thế giới.

Hiệp hội này cũng chỉ ra rằng tại Việt Nam, nơi rượu nằm ngoài kiểm soát chiếm gần 70% lượng đồ uống có cồn tiêu thụ trên thị trường, người tiêu dùng có nguy cơ cao sẽ mua phải những sản phẩm rượu nhập lậu, rượu giả, rượu kém chất lượng, hoặc rượu không rõ nguồn gốc có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Việc cho phép kinh doanh rượu, bia trên Internet sẽ cho phép các nhà sản xuất và kinh doanh rượu, bia hợp pháp được sử dụng công cụ Internet để thông tin đầy đủ và chính xác cho người tiêu dùng và giúp họ tiếp cận với những sản phẩm hợp pháp, góp phần ngăn chặn các sản phẩm bất hợp pháp.

Hiệp hội đồ uống có cồn Úc cho rằng không nên có sự phân biệt giữa các loại sản phẩm rượu có nồng độ cồn khác nhau trong các hoạt động thương mại điện tử, tài trợ và quảng cáo. Hiệp hội kiến nghị nên xem xét lại qui định này và thay vì cấm thì nên cân nhắc cho phép nhưng gắn với các điều kiện kinh doanh.

Cụ thể là hoạt động bán rượu trên mạng Internet chỉ áp dụng đối với các đối tượng đáp ứng các điều kiện về kinh doanh rượu, có giấy phép kinh doanh rượu và việc thanh toán cho các giao dịch mua bán phải được thực hiện bằng thẻ thanh toán ngân hàng hoặc chuyển khoản. Các trang điện tử bán hàng cần có các công cụ xác minh độ tuổi của người mua hàng và người giao hàng phải chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân để xác minh độ tuổi của người nhận hàng. Các giao dịch phải đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện để các cơ quan hữu quan thanh kiểm tra khi cần.

{keywords}
 

Những mâu thuẫn của luật pháp

Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh thuộc Eurocham cho rằng các qui định về quảng cáo và khuyến mại trong Dự Luật hiện đang mâu thuẫn với Luật Quảng cáo và Luật thương mại. Cụ thể là, Luật Quảng cáo không có hạn chế nào đối với quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn, trong khi Dự Luật này lại có qui định cấm quảng cáo rượu, bia từ 5,5 độ cồn đến 15 độ cồn tại các sự kiện văn hóa, thể thao, điện ảnh và quảng cáo ngoài trời.

Tương tự, Luật Thương mại chỉ cấm khuyến mại rượu từ 30 độ cồn trở lên, nhưng Dự Luật hiện đang “nghiêm cấm” khuyến mại rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.

Ông Patrick Castanier, đồng chủ tịch Tiểu ban Rượu vang và Rượu manh thuộc Eurocham kiến nghị các vấn đề liên quan đến quảng cáo và khuyến mại chỉ nên điều chỉnh bởi Luật Quảng cáo và Luật Thương mại để tránh sự chồng chéo và hiểu nhầm trong quá trình thực hiện.

Về vấn đề này, Sách Trắng của Eurocham kiến nghị, thay vì cấm tuyệt đối Chính phủ nên cho phép bán rượu, bia trên Internet với những điều kiện kinh doanh cụ thể.

Cụ thể là, hoạt động bán rượu trên mạng Internet chỉ áp dụng đối với các đơn vị đáp ứng các điều kiện về kinh doanh rượu, có giấy phép kinh doanh rượu và việc thanh toán cho các giao dịch mua bán phải được thực hiện bằng thẻ thanh toán ngân hàng hoặc chuyển khoản. Các trang điện tử bán hàng cần có các công cụ xác minh độ tuổi của người mua hàng và người giao hàng phải chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân để xác minh độ tuổi của người nhận hàng. Các giao dịch phải đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện để các cơ quan hữu quan thanh kiểm tra khi cần.

Do vậy, kiến nghị sửa đổi Điều 5 của Dự Luật để bỏ qui định nghiêm cấm bán rượu, bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên mạng Internet; và sửa đổi Điều 17 về điều kiện phân phối và bán rượu, bia trên Internet để qui định này áp dụng đối với mọi loại rượu, bia thay vì chỉ áp dụng đối với rượu, bia dưới 15 độ cồn. 

Mai Son