- Chia sẻ với Góc nhìn thẳng, thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và du lịch, ông Vương Duy Biên đã phê bình nặng việc cấm 5 ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Việc cấm hay cấp phép các ca khúc được lưu hành trong thời gian vừa qua lại rộ lên và thu hút sự quan tâm lớn trong dư luận. Tuy nhiên khi xem xét kĩ, chúng ta lại phát hiện có rất nhiều ca khúc nổi tiếng và quen thuộc đã ăn sâu trong lòng hàng triệu người như ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hóa ra vẫn chưa được cấp phép lưu hành.
Vì sao lại có trình trạng như vậy? Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử Vietnamnet mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trò chuyện với ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch xung quanh vấn đề này.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Thứ trưởng Vương Duy Biên, cho đến lúc này ông nhìn nhận ra sao về vấn đề cấm hay cấp phép lưu hành các ca khúc đang rộ lên trong thời gian vừa qua?
Thứ trưởng Vương Duy Biên: Chúng ta, có lẽ phải cần điều chỉnh cách quản lý về công tác, về văn hóa nghệ thuật nói chung. Trong đó, có việc quản lý các bài hát sáng tác trước cả thời năm 1975. Đất nước ta là một đất nước có hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt, có thời trước Cách mạng, sau Cách mạng, trước khi thống nhất đất nước và sau khi thống nhất đất nước. Giai đoạn lịch sử đấy, mình phải xem xét với mọi góc độ.
Bây giờ, chúng ta đã thống nhất đất nước bốn mươi mấy năm rồi, dân trí ngày càng được nâng lên. Đối với các tác phẩm xưa, mình phải có cách nhìn vừa công bằng, vừa bao dung.
Nói gì thì nói, dưới chế độ nào thì công sức của người nghệ sĩ cũng phải được công nhận, trừ những tác phẩm phản lại đường lối chính sách của chúng ta, đi ngược lại, gieo rắc hận thù dân tộc, kích động chiến tranh, các cái đấy là mình cấm.
Những đề tài, yêu thương con người, yêu đất nước, yêu Tổ quốc, ca ngợi vẻ đẹp của con người, thiên nhiên..., những cái đó ta phải khuyến khích.
Cho nên, ngay tôi cũng bất ngờ, cũng không biết là bài “Nối vòng tay lớn” vẫn chưa được cấp phép, cái đó là lỗi kĩ thuật. Chủ trương là, bài nào có nội dung tốt cần phải được bảo vệ, giới thiệu rộng rãi cho công chúng để công chúng có quyền được nghe biểu diễn và được hát những tác phẩm đó.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, có thể thấy qua theo dõi trong thời gian vừa qua thì phần lớn ý kiến trong dư luận tỏ ra là không đồng tình với cách thức mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra trong việc cấm hay lưu hành các ca khúc, vậy về phía Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch, ông có ý kiến như thế nào về điều này?
Thứ trưởng Vương Duy Biên: Thực ra các anh ở Cục đang quen cái nếp quản lý từ lâu và nay chúng ta vẫn quen làm theo cái nếp đó.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch, ông Vương Duy Biên trao đổi với Góc nhìn thẳng |
Có lẽ, trong nhiều lĩnh vực chúng ta đã đổi mới, cởi mở, đơn giản hóa rất nhiều thủ tục. Tôi đã nói với anh em là mình cũng phải xem lại mình, xem lại cách quản lý của mình để làm thế nào mà cách quản lý trong lĩnh vực này rất nhạy cảm.
Theo tôi, phải đảm bảo tốt về nội dung nhưng lại đơn giản về thủ tục và hợp tình hợp lý, đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của các bên liên quan, trong đó có quyền lợi của nghệ sĩ, quyền lợi của người biểu diễn và quyền lợi của công chúng được quyền thưởng thức các tác phẩm ấy. Có lẽ, mình phải hướng tới cách quản lý giản tiện làm cho người ta không cảm thấy phải đi xin để rồi được người ta cho.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ông có nghĩ rằng, cách thức đưa ra trong việc cấm 5 ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn như vậy là có hơi máy móc, tùy tiện và thậm chí là hơi lạm quyền hay không ạ?
Thứ trưởng Vương Duy Biên: Cái này cũng phải thừa nhận, do chúng ta làm hơi máy móc theo văn bản quy định của pháp luật. Việc 5 ca khúc đã được cấp phép từ rất lâu rồi, đã được biểu diễn từ rất lâu rồi thì bây giờ lại có một trục trặc như vậy.
Phải nói rằng, về góc độ Bộ Văn hóa chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc về việc đấy. Lẽ ra, có cách xử lý đơn giản hơn thay vì để cho công chúng có thể hiểu lầm rằng chúng ta có một cách tạo ra sự khó khăn không cần thiết. Tôi sẽ chỉ đạo anh em ở Cục để làm thế nào nhanh nhất để xử lý được tình huống này để ổn định dư luận.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, rõ ràng việc cấm hay cấp phép lưu hành các ca khúc là một cơ chế thể hiện tính xin cho. Có không ít ý kiến hoài nghi rằng, ở đây có lợi ích vật chất. Ông nghĩ sao về những hoài nghi như vậy?
Thứ trưởng Vương Duy Biên: Tất nhiên, công chúng có quyền hoài nghi, tôi nghĩ rằng là có thể chính cách thức quản lý cũ làm cho người ta nghĩ như vậy.
Tôi nghĩ có lẽ là vì chúng ta chưa thay đổi kịp ngay bản thân việc xây dựng các văn bản. Rõ ràng, Cục với Bộ xây dựng lên các văn bản quản lý trình lên trên. Nói gì thì nói, các văn bản này có các điều chưa nắm bắt, chưa theo kịp được cuộc sống thì chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là cần điều chỉnh thì phải điều chỉnh cho nó phù hợp với cuộc sống.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã công bố một danh sách ca khúc được phép lưu hành với số lượng lên tới 2587 ca khúc. Một số ý kiến đang đề xuất rằng, tại sao chúng ta không công bố một danh sách các ca khúc bị cấm. Những ca khúc nào nằm ngoài danh sách bị cấm đấy thì hoàn toàn có thể tự do lưu hành, tự do biểu diễn. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Thứ trưởng Vương Duy Biên: Thực ra, hiện nay chúng tôi đã bàn đến việc làm thế nào công bố giản tiện nhất những bài hát hoặc là bị cấm hoặc là những ca khúc được phép phổ biến.
Cũng phải cân nhắc, giữa cái nào có lợi bởi vì nếu như ca khúc khi mà một cơ quan gửi công văn đi các địa phương, gửi cho các hội văn học nghệ thuật để gửi những ca khúc về thì liệu người ta có gửi hết không hay là vẫn còn sót đâu đó.
Gỉa sử, phương án đưa danh sách bị cấm lên sau đó đưa danh sách cấm lên rồi thì mới phát hiện ra một số bài hát khác không được phép phổ biến mà lại không nằm trong sách cấm thì có phải là làm khó công tác quản lý. Người ta lại bảo vì không nằm trong danh sách cấm cho nên vẫn được phép biểu diễn thì cái đấy cũng sợ.
Đưa danh sách các bài hát được phổ biến thì cho đến giờ phút này, tinh thần là cập nhật được những bài hát nào là phổ biến là cập nhật được luôn.
Phải nói rằng, cho đến giờ thì cơ quan nhà nước như Cục thì không thể quét hết được, đề nghị các nơi gửi về mà người ta cũng chưa gửi về, có nơi gửi về có nơi không. Cái này cũng là cái khó khăn. Cho nên, ở một góc độ nào đó cũng phải thông cảm cho cái khó của công tác quản lý này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục việc này để làm như thế nào tìm một phương án tốt nhất.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!
* 5 ca khúc bị Cục Biểu diễn nghệ thuật cấm lưu hành vĩnh viễn với lý do sai lời so với bản gốc hoặc sai tác giả: - Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ) - Rừng xưa (Lam Phương), - Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương) - Đừng gọi anh bằng chú (Diên An) - Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) * Sau khi Cục Biểu diễn nghệ thuật công bố danh sách 2.587 ca khúc được phép lưu hành, dư luận xôn xao khi không có ca khúc nào của nhạc sĩ Văn Cao có tên trong danh sách cấp phép bao gồm nhiều ca khúc nổi tiếng như Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội... * Ca khúc quen thuộc Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không nằm trong danh sách đã được cấp phép lưu hành. Sau thông tin xôn xao trong dư luận, ngày 12/4/2017, ca khúc Nối vòng tay lớn đã được cấp phép. |
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc
email: [email protected]