Cho đến nay, Việt Nam đã có khoảng 6000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp Việt chớp cơ hội để trở thành vệ tinh cấp 1, cấp 2 cho các Tập đoàn FDI hay các doanh nghiệp lớn trong nước vẫn chưa như kỳ vọng.

Các nghiên cứu và đánh giá thường cho rằng các doanh nghiệp này đa phần là nhỏ và yếu kém, cả về công nghệ lẫn vốn, dẫn đến năng suất thấp và năng lực cạnh tranh không cao. Chính điều này đã khiến cho dù có nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước liên quan đến thuế, tín dụng, vốn và đất đai, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tạo được sự bứt phá rõ rệt.

Do đó, cải tiến sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là một lựa chọn, mà còn là yếu tố sống còn. 

Để có cái nhìn toàn cảnh hơn về năng lực cạnh tranh và những bài học kinh nghiệm quý báu trong cải tiến sản xuất, báo VietNamNet tổ chức tọa đàm với chủ đề “Cải tiến sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, vấn đề sống còn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.

Chương trình có sự tham gia của 3 khách mời: 

- Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

- Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Giảng viên, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

- Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội DN CNHT Hà Nội- Hansiba

Mời quý độc giả theo dõi toàn bộ chương trình tọa đàm trực tuyến tại video sau:

Cải tiến sản xuất là chuỗi chủ đề được thực hiện 3 năm nay trên chuyên mục Công nghiệp hỗ trợ dưới hình tức tọa đàm trực tuyến. Đây cũng chính là nội dung quan trọng trong chuỗi các hoạt động hợp tác hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam. 

 Ông Chu Việt Cường với cương vị đại diện cho IDC, chính là đơn vị trực tiếp làm việc với Toyota Việt Nam trong chương trình tư vấn cải tiến sản xuất, trong đó, IDC chọn lọc và giới thiệu các doanh nghiệp Việt tiêu biểu mong muốn tham gia.

Chu Việt Cường
Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Tại chương trình, ông Chu Việt Cường cho biết, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp này khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là vừa phải tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ mạnh trong khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc, Thái Lan, và Malaysia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng phải giải quyết các vấn đề nội tại như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế về công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, cũng như khó khăn về tài chính. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không thể dậm chân tại chỗ mà cần liên tục đổi mới và phát triển để bắt kịp xu thế toàn cầu.

Theo thông tin tại tọa đàm trực tuyến, từ năm 2020, IDC đã phối hợp với Samsung để đào tạo đội ngũ kỹ sư khuôn mẫu. Đến nay, đã có 211 kỹ thuật viên chất lượng cao trong lĩnh vực này được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, IDC cũng triển khai các khóa đào tạo quản lý cho các lãnh đạo cấp trung và cấp cao, giúp nâng cao kỹ năng quản lý và chiến lược điều hành doanh nghiệp.

Về cải tiến sản xuất, IDC và Samsung đã tư vấn và áp dụng các phương pháp tiên tiến như Lean Six Sigma, 5S, 3D, và Smart Factory cho các doanh nghiệp. Đến nay, khoảng 135 doanh nghiệp và hơn 400 chuyên gia đã được đào tạo, hỗ trợ trong lĩnh vực này. Với chương trình hợp tác với Toyota, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm IDC và Toyota hỗ trợ cải tiến sản xuất cho 5 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, hơn 20 doanh nghiệp đã tham gia chương trình này và đạt được những kết quả rất tích cực.

“Ví dụ, trong năm 2024, tại lễ tổng kết với Toyota Motor Vietnam, chúng tôi ghi nhận những kết quả nổi bật: Công ty INTEC: Sau khi áp dụng các cải tiến, năng suất tăng 30%, giúp tiết kiệm gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Công ty Nhựa Hòa An: Hiệu quả còn cao hơn với mức tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ đồng mỗi năm”, ông Cường chia sẻ.

Ông cho biết, những cải tiến này đến từ việc tối ưu hóa bố trí nhà xưởng, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và giảm thiểu các thao tác không cần thiết của công nhân. Ví dụ, việc điều chỉnh quy trình giúp giảm thời gian di chuyển, cải thiện tư thế làm việc và nâng cao hiệu quả tổng thể.

Nguyễn Vân
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội DN CNHT Hà Nội- Hansiba

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội – Hansiba, cho hay: “Tôi nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thay đổi, đặc biệt là những doanh nghiệp muốn gia nhập chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu. Những doanh nghiệp này đã sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt với cạnh tranh và thay đổi để phát triển. Còn những doanh nghiệp chỉ sản xuất sản phẩm thay thế hoặc hàng trôi nổi trên thị trường, họ không có yêu cầu khắt khe từ khách hàng nên họ ít chú trọng đến việc cải tiến quy trình. Đối với những doanh nghiệp này, cần có một sự thay đổi mạnh mẽ hơn, và đôi khi họ cần phải đối mặt với một áp lực nào đó để nhận ra rằng việc thay đổi là điều cần thiết.”

Theo ông Nguyễn Vân chia sẻ: “Hiệp hội Hansiba chúng tôi đã kết nối với Hiệp hội các nhà sản xuất hàng không và tàu cao tốc tại vùng Kobe, Nhật Bản, hay làm việc với các tổ chức tại Hoa Kỳ, thông qua các chương trình do Cục Công nghiệp tổ chức. Những chương trình này không chỉ tạo cơ hội gặp gỡ các đối tác lớn mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như chứng chỉ AS9100 cho ngành hàng không – điều kiện cần để sản xuất linh kiện máy bay và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.”

Với lịch sử thành lập 10 năm Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội – Hansiba , ông Nguyễn Vân trở thành người kết nối quen thuộc và tin cậy, có uy tin trong cộng đồng các doanh nghiệp ở thủ đô. Ông cũng là người chủ trì nhiều chương trình hoạt động hỗ trợ cho các thành viên hiệp hội từ đào tạo nguồn nhân lực đến tổ chức các buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên, đến các tư vấn chính sách cho Chính phủ. 

Nguyễn Thị Xuân Thúy
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Giảng viên, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Từ góc nhìn chuyên gia, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Các doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa đang chịu sức ép lớn từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Lý do bởi thị trường Trung Quốc. Trước đây, phần lớn doanh nghiệp Trung Quốc tập trung phục vụ thị trường trong nước, nhưng trong thời gian vừa qua khi thị trường này chững lại, họ bắt đầu mở rộng ra nước ngoài. Việt Nam, với nhiều điểm tương đồng về tiêu dùng, xu hướng thị trường và vị trí địa lý gần gũi, đã trở thành thị trường mục tiêu của họ. Không chỉ tiêu thụ hàng hóa, các doanh nghiệp Trung Quốc còn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam khi nhận thấy cơ hội kinh doanh tốt. Điều này tạo áp lực cạnh tranh lớn lên các doanh nghiệp Việt Nam có trình độ tương đồng”.

“Cách đây khoảng 20 năm, khi các doanh nghiệp FDI mới vào Việt Nam, họ cũng đã từng chia sẻ với chúng ta rằng việc tìm kiếm các nhà sản xuất linh kiện như ốc vít tại Việt Nam là rất khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển và nhờ vào sự tham gia của các chương trình cải tiến năng lực sản xuất, hình ảnh này đã có sự thay đổi rõ rệt. Các doanh nghiệp trong nước ngày càng nâng cao được chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất và khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cho thấy sự tiến bộ đáng kể của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và mở ra cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như Vinfast hay các doanh nghiệp FDI”, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy vốn từng nhiều năm công tác tại Cục Công nghiệp, trực tiếp tham gia trong tổ soạn thảo nhiều dự thảo chính sách thuộc ngành này như dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, nay là dự thảo Luật sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, nghiên cứu sâu về thực trạng công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. 

Một số hình ảnh tại chương trình:

Tọa đàm CNHT cải tiến sx 2024- 2
Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và  nhà báo Phạm Huyền tại chương trình tọa đàm “Cải tiến sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, vấn đề sống còn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Tọa đàm CNHT cải tiến sx 2024- 4
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Giảng viên, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhà báo Phạm Huyền tại chương trình tọa đàm trực tuyến “Cải tiến sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, vấn đề sống còn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Tọa đàm CNHT cải tiến sx 2024- 3
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội DN CNHT Hà Nội- Hansiba và bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Giảng viên, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại chương trình tọa đàm trực tuyến “Cải tiến sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, vấn đề sống còn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Tọa đàm trực tuyến về CNHT 2024- cải tiến sản xuất
Toàn cảnh chương trình Tọa đàm trực tuyến “Cải tiến sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, vấn đề sống còn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.

VietNamNet