Bản tin thời tiết nông vụ đã và đang được Cục trồng trọt trực tiếp điều phối và nhân rộng triển khai tại 13 tỉnh thành thuộc khu vực Đồng bằng Sông cửu Long (ĐBSCL) với định hướng tăng cường sự chủ động tham gia của các địa phương, mở rộng các kênh truyền thông và tích hợp thêm nhiều thông tin hữu ích cho quản lí canh tác cây trồng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Song song với đó, Cục sẽ phối hợp cùng Liên minh đa dạng sinh học và Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình cải tiến bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hoá theo hướng số hóa nhằm tăng cường hiệu quả của quy trình xây dựng bản tin này.
Cuộc họp với chủ đề “Lập kế hoạch xây dựng bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hóa” hôm 11/7 nhằm mục tiêu của cuộc họp nhằm thảo luận và thống nhất các định hướng: i) Kế hoạch mở rộng phạm vi triển khai bản tin Thời tiết nông vụ tới toàn bộ 13 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long; ii) Các giải pháp tiềm năng cải tiến, tăng cường hiệu quả xây dựng bản tin theo định hướng số hóa; iii) Các thỏa thuận phối hợp, quản lí và điều phối các hoạt động giữa Cục Trồng trọt (CTT) và CIAT.
Bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hoá được xây dựng dựa trên “Quy trình xây dựng và phổ biến bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hoá có sự tham gia”. Quy trình được xây dựng và cải thiện trong khuôn khổ dự án DeRISK Đông Nam Á và Hợp phần 3 của Sáng Kiến AMD của CGIAR, dưới sự phối hợp triển khai của Liên Minh Bioversity & CIAT và Cục Trồng trọt. Theo đó, bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hoá được xây dựng dựa trên dự báo mùa, tháng và 10 ngày bởi các Tổ kỹ thuật tại 8 tỉnh tham gia thuộc ĐBSCL (tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Trà Vinh) và Duyên Hải Nam Trung Bộ (tỉnh Ninh Thuận).
Tính đến nay, bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hoá đã được tiếp cận bởi hơn 130.000 người nông dân. Trong đó, 23.000 người tiếp cận bản tin một cách trực tiếp qua hơn 450 nhóm Zalo thời tiết nông vụ mà họ là thành viên. Phản hồi của người dân đối với bản tin thời tiết nông vụ qua các kì đánh giá cuối vụ rất tích cực và cho thấy tầm quan trọng của bản tin đối với công tác quản lí canh tác cây trồng của họ, đặc biệt là góp phần giảm thiểu các nguyên liệu đầu vào như thuốc trừ sâu, phân bón, hạn chế rủi ro thiệt hại bởi thời tiết nên góp phần tăng năng suất mùa vụ.
Quy trình xây dựng và phổ biến bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hoá sau đó đã được công nhận là một Tiến bộ kĩ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp (theo Quyết định số 131/QD-TT-VPPN của Cục Trồng Trọt), và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ và kinh phí cho Cục Trồng trọt tiến hành nhân rộng và và triển khai cho toàn bộ 13 tỉnh ĐBSCL (theo Quyết định số 1033/QĐ-BNN-TT).
Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, “điểm sáng của cách quy trình này là sự hình thành và phối hợp của tổ kỹ thuật (TKT)- gồm các cán bộ kĩ thuật nông nghiệp, thủy nông, khí tượng thủy văn - trong việc xây dựng và nhận phản hồi để cải tiến bản tin chi tiết phù hợp với các địa phương. Đây là điều mà chưa có phần mềm hay chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) nào có thể thay thế được và đây cũng là điều cần lưu ý khi tiến hành số hóa cách tiếp cận này”.
Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ đẩy mạnh các công tác mở rộng phạm vi triển khai Bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hoá tới sáu tỉnh còn lại của ĐBSCL, hỗ trợ mở rộng các kênh phổ biến bản tin, đưa thêm các nội dung khuyến cáo cho cả các cây ăn trái chủ lực theo từng tỉnh, và hỗ trợ tích hợp thông tin hoạt động của hệ thống công trình thủy lợi nhằm tăng tính sử dụng của bản tin. Các đối tác tiềm năng cho họat động này cần phải kể đến: các đài khí tượng thủy văn; đơn vị vận hành công trình thủy lợi; cơ quan viễn thám về dự báo sản xuất trồng trọt và các hợp tác xã (HTX) trong chương trình HTX ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu.
Cục cũng sẽ xem xét các tiềm năng lồng ghép việc xây dựng bản tin vào trong các nhiệm vụ, chương trình hay đề án quốc gia liên quan đến nông nghiệp thích ứng với BĐKH, với mục tiêu dài hạn không chỉ nhân rộng bản tin thời tiết nông vụ theo hướng số hoá cho khu vực ĐBSCL mà còn tiến tới cho các khu vực khác trên cả nước.