Tại hội thảo quốc tế về dinh dưỡng học đường, kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam ngày 12/10, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho hay trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (thấp còi và gầy còm); thừa cân, béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
PGS Dương dẫn số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,2%, thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em ở dưới mức 20%, là mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (24,8%) và Tây Nguyên (25,9%).
Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi gia tăng từ 8,5% (năm 2010) lên đến 19% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm); khu vực thành thị cao gấp đôi nông thôn.
"Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và đặc biệt là thừa cân, béo phì lứa tuổi học đường rất quan trọng, góp phần cải thiện tầm vóc và kiểm soát sự tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh mãn tính không lây ở người trưởng thành", PGS Dương nói.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030. Cùng đó, Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 cũng được Chính phủ ban hành nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong trường học nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.
Theo mục tiêu của chương trình, 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa. Tất cả các trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định.
Tuy nhiên vị chuyên gia cũng chỉ ra một trong những thách thức trong thực hiện đảm bảo dinh dưỡng học đường là hiện nước ta chưa có luật/chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng học đường để đảm bảo hoạt động dinh dưỡng trong trường học được triển khai tổng thể, đồng bộ và hiệu quả.
"Hiện bữa ăn học đường chưa được chuẩn hoá, đồng bộ, do đó việc tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn học đường và chăm sóc dinh dưỡng học đường vẫn còn nhiều hạn chế", PGS Dương nhận định.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng các hoạt động về dinh dưỡng học đường giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này.
Theo PGS Trần Thanh Dương, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, dinh dưỡng học đường cần có sự tham gia của gia đình, cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình.