Khẩu phần ăn thiếu “lượng”, mất cân đối “chất”

Những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống 14,1% năm 2015 và năm 2018 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 12,8%.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (23,2% năm 2018) và có sự chênh lệch giữa các vùng khi tình trạng suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những vùng khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt phổ biến ở khu vực nông thôn. Tình trạng này được lý giải do nghèo đói; khẩu phần ăn thiếu về số lượng, mất cân đối về chất lượng; bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, thiếu vi chất dinh dưỡng cũng là vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%; 69,4% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm, 45% trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi thiếu máu. Thiếu vitamin và khoáng chất đều ảnh hưởng đến sức khỏe, chiều cao, xương, miễn dịch của trẻ. Đặc biệt, thiếu vitamin A, thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng, hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng...

Điều đáng nói tình trạng thiếu vi chất không chỉ phổ biến ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn mà còn diễn ra ở khu vực thành thị. Theo các chuyên gia dinh dưỡng,  trong khi thịt, cá, cơm, cháo, rau, trái cây là những thực phẩm cha mẹ có thể nhìn rõ và định lượng được qua khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ, thì vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E, K...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, đồng...) là thứ không nhìn thấy, khó định lượng.

{keywords}
 

Dinh dưỡng hiệu quả theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, vitamin và các chất khoáng, hậu quả là cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng, làm suy giảm hoạt động của các cơ quan. Thậm chí, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp và tăng khả năng mắc nhiều bệnh tật cho trẻ.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để phòng ngừa suy dinh dưỡng hiệu quả, trước tiên cần lưu ý cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu đời và kéo dài ít nhất 02 năm, chỉ cân nhắc cho trẻ sử dụng sữa công thức khi tình trạng không đủ sữa mẹ không giải quyết nhanh chóng được. Các mẹ nuôi con từ 0-24 tháng tuổi cũng cần được hướng dẫn để cho trẻ bú đúng cách.

Trẻ cũng cần có một khẩu phần ăn phong phú, thường xuyên thay đổi món ăn, kích thích ngon miệng, thêm bữa nhẹ xen kẽ bữa chính. Cùng với đó, trẻ cần được tăng cường hoạt động thể chất thường xuyên để kích thích tiêu hóa.

Với tình trạng trẻ biếng ăn, phụ huynh có thể cân nhắc tham vấn chuyên gia tâm lý, bác sỹ tâm lý để được tư vấn và chữa trị các chứng rối loạn ăn uống, rối loạn tâm thần khác có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống. Lưu ý điều trị triệt để các bệnh lý tại đường tiêu hóa cũng như các bệnh lý toàn thân. Không lạm dụng kháng sinh trong việc điều trị bệnh.

Cùng với đó, cha mẹ cần chú ý thường xuyên theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ. 

D. An (tổng hợp)