- Ủy ban Kinh tế QH đề nghị Chính phủ có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Báo cáo thẩm tra thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp QH sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đánh giá Chính phủ cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015.
Nhưng hạn chế đó là chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra, nông nghiệp giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá...
Năm 2015 nhập siêu trở lại sau 3 năm liên tục xuất siêu. Mặc dù nằm trong chỉ tiêu QH nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu. Cụ thể giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ngày càng tăng.
Có ý kiến lo ngại nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Giàu cũng cho hay, việc cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến là 5% GDP không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).
Ngoài ra, có ý kiến lo ngại về việc chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên và trả nợ. Nợ công mặc dù nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Tán thành với các nhóm giải pháp Chính phủ nêu, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh Chính phủ cần có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc để hạn chế tình trạng nhập siêu. Đồng thời xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Tiếp tục rà soát các nhiệm vụ chi, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không có nguồn đáp ứng, không chi vượt dự toán...
Xử lý nợ xấu chưa hiệu quả
Ủy ban Kinh tế nhìn nhận việc tái cơ cấu thị trường đã cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại đạt được kết quả bước đầu, giảm dần số lượng các ngân hàng yếu kém.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả. Các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng với tình hình hiện nay, xử lý nợ xấu khó mang lại tính bền vững. Có ý kiến đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch.
Thu Hằng - Ảnh: H.Long