- Cuộc trò chuyện thứ hai giữa tôi và Yến vào đúng ngày 28 Tết. Lần này là qua Facebook. Sau khi nhận được học bổng, hiện Yến đang ở CHLB Đức, theo học thạc sĩ tại trường Goettingen, ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Yến cho biết, em vừa kết thúc các học phần của học kỳ đầu tiên và chuẩn bị thi học kỳ nên dịp Tết này em sẽ không về nước ăn Tết cùng gia đình. Tôi hỏi, tiền học bổng trường cấp hàng tháng có đủ dư dả để em mua vé máy bay về nhà không? Yến nói, em vẫn tiết kiệm được một khoản hàng tháng từ tiền học bổng nên nói đủ không thì vẫn đủ.

"Thật ra em cũng muốn về nhưng lại sợ cảm giác lúc chia tay bố mẹ và Việt lần nữa" - Yến chia sẻ. Yến cũng cho biết, em đang cân nhắc sau khi thi học kỳ xong sẽ về thăm nhà theo lịch nghỉ của nhà trường nhưng bố mẹ đều nói rằng chỉ còn 1 năm rưỡi nữa là học xong về nhà nên không cần phải về để tiết kiệm tiền.

Đây sẽ là lần đầu tiên cô gái dân tộc Dao ăn Tết năm cùng xa nhà. "Ăn Tết xa buồn lắm anh ạ" - Yến ngậm ngùi. "Bình thương ở nhà, năm nào em cũng là người dọn dẹp nhà cửa, ban thờ để đón Tết. Năm nay em không về không biết ai sẽ làm"

Tự nhận mình là người truyền thống, Yến nói rằng, em rất thích Tết và luôn muốn ăn Tết với gia đình. "Trước khi còn đi làm ở Sa Pa, đáng lẽ Tết thì nhân viên ở đó không được nghỉ nhưng em đã nằn nì xin chị quản lý để về nhà đúng ngày 30 dọn dẹp nhà cửa, mùng 1 lại quay lại làm. Mất cả thưởng Tết nhưng em vẫn thích" - Yến nhớ lại.

{keywords}
Chảo Thị Yến bên cạnh những người bạn ở trường của mình. 

Nhớ lại những cái Tết trước đây, Yến kể, trước bố em không bao giờ cho em động vào lưu hương của gia đình vì em là con gái. Nhưng dần dần bố tự coi em như con trai nên Yến được phép làm hết. Dọn dẹp nhà cửa để đón Tết với Yến không chỉ là niềm vui mà dường như còn là trọng trách.

Cũng có lẽ vì thế, việc lần đầu tiên ăn Tết xa nhà khiến Yến thực sự cảm thấy hụt hẫng. Khi tôi nhắn tin hỏi chuyện, Yến nói em sắp phải đóng tài khoản Facebook của mình một thời gian. Tôi hỏi, vì sao thì Yến trả lời rằng, vào những ngày này, bạn bè em ở Việt Nam ai cũng đăng ảnh nấu bánh chưng, chuẩn bị Tết, em sợ vào mạng nhìn thấy những hình ảnh các bạn chia sẻ em lại nhớ nhà. "Ở bên này cũng có bánh chưng nhưng không có được cái không khí như ở Việt Nam" - Yến nói.

Yến nói, người Việt ở khu vực trường em theo học khá đông nhưng mỗi người mỗi việc nên cũng không gặp nhau thường xuyên được. "Chắc là hôm mùng 1 Tết thì em sẽ đi liên hoan với hội người Việt ở bên này. Còn lại sẽ tập trung cho việc ôn thi. Kiến thức bên này học rất nặng, nếu không ôn em sợ phải về nước sớm" - Yến kể.

Sau năm tháng học tại Đức, Yến cho biết, việc học ở trường không yêu cầu sinh viên phải tới lớp đầy đủ ở Việt Nam nhưng kiến thức thì rất nhiều nên phải đọc rất nhiều sách. Với Yến, cuộc sống ở môi trường mới khá ổn và tiện nghi, nhưng khó khăn nhất là việc không nhiều người Đức không nói được tiếng Anh nên việc giao tiếp đôi khi em phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể họ mới hiểu được.

Yến kể, kỷ niệm nhớ đời nhất của em trong 5 tháng học tại Đức là một lần em vào cửa hàng để mua mấy lọ nước hoa do người bạn ở Việt Nam nhờ mua hộ. Sau khi tìm được đúng món hàng bạn nhờ, cô bé hồn nhiên lấy rồi cho vào chiếc túi đựng ô xách theo người đợi ra quầy thanh toán mà không biết rằng, ở cửa hàng tự chọn như vậy không được cho hàng vào túi xách cá nhân mà phải cho vào giỏi xách của cửa hàng.

Thế là Yến bị bảo vệ tới giật lấy chiếc túi trong tay rồi đuổi ra ngoài vì nghĩ rằng em ăn trộm đồ. Hơn một tháng học tiếng Đức ở trường không đủ vốn liếng để cô gái Việt Nam giải thích được với người bảo vệ đang tin chắc rằng, em là kẻ trộm. "Một chị Việt Nam khác cố gắng giải thích cho em cũng bị họ đuổi ra ngoài" - Yến kể.

"Cuối cùng may có một bà khách người Đức biết tiếng Anh đã giải thích giúp em rằng đây là lần đầu tiên vào cửa hàng nên không biết quy định thì họ mới để em tiếp tục mua và thanh toán" - Yến kể.

"Thật ra, em cho vào túi giấy của em là vì ở đây bọn em đi chợ mua thức ăn đều có thể cho đồ vào túi đi chợ của mình rồi ra đến quầy thanh toán thì bỏ ra. Em thực sự không biết ở cửa hàng đó không được phép làm thế nên bỏ lọ nước hoa vào túi giấy mà không nghĩ gì cả" - Yến nói.

"Sau này, em có viết thư lên bộ phận chăm sóc khách hàng của họ, chắc họ có kiểm tra lại camera nên đã gửi thư trả lời xin lỗi em" - Yến cho biết.

{keywords}
Yến cho biết, ngoài việc học ở trường, hiện công việc chính của em là dạy thêm tiếng Anh cho các bạn Việt Nam và viết cuốn sách về câu chuyện của mình. Ảnh: NVCC.

Nói về cuộc sống hiện tại, Yến cho biết, giờ đây ngoài việc học tập ở trường hàng ngày, em cũng tham gia bán mỹ phẩm cùng bạn và dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn sinh viên ở Việt Nam. Ngoài việc học thì có lẽ công việc ngốn nhiều thời gian và tâm sức nhất của Yến có lẽ là công việc viết sách.

Yến cho biết, sau khi câu chuyện của em được đăng tải, một nhà xuất bản đã liên hệ với em và đề nghị em viết cuốn sách về câu chuyện của mình.

Yến nói, đến nay em đã viết được một phần nhưng hiện em vẫn đang thấy "tắc" vì em không muốn mọi người đọc câu chuyện của em cảm thấy buồn quá mà không tìm được từ ngữ để viết câu chuyện của mình cho bớt "buồn" đi được.

"Em muốn nó đúng như sự thật nhưng không muốn nó buồn như những gì em đã trải qua" - Yến nói.

Những lời khuyên của tôi dành cho cô bé sinh ra ở xã biên giới Việt - Trung không biết có hữu ích với em không nhưng chắc chắn rằng, câu chuyện của em sẽ khiến người đọc xúc động bởi em sẽ viết ra những câu chuyện thật, dù nó có buồn hay không.

Lê Văn