Tôi và chồng là bạn nối khố. Hai đứa chơi thân với nhau từ nhỏ. Vì thân nhau nên tôi chưa bao giờ nghĩ cả hai sẽ thành vợ chồng. 

Lớn lên, đi học, suy nghĩ khác, hai đứa cảm mến rồi yêu nhau lúc nào không hay. Ngày chúng tôi về thưa chuyện, hai gia đình đều bất ngờ, nhất là nhà trai.

Vì ở quá gần nhau, chỉ cách nhau một bức tường nên các bậc phụ huynh đã hiểu rõ về nhau, không thích con cái mình lấy chồng, lấy vợ gần như vậy. 

Bố tôi có tật cứ uống rượu vào là nói lung tung, chửi bới ầm nhà. Vì vậy, bố mẹ người yêu rất kỵ. Nhưng vì yêu tôi nên bạn trai ra sức thuyết phục. Cuối cùng, bố mẹ anh cũng đồng ý dù không mấy vui vẻ. 

tet sat vach sohu.jpg
Ảnh minh họa: Sohu

Là con gái duy nhất trong nhà, tôi được mẹ chiều, cưng nựng như viên ngọc. Mẹ sợ tôi phải làm việc nặng nên từ bé không cho tôi động tay chân vào việc gì. Mẹ mong tôi đi học, thành tài, có công việc thu nhập tốt.

Ngày tôi lấy chồng, mẹ dặn tôi kĩ lắm, rằng có việc gì phải chạy ngay sang nhà mách mẹ, để mẹ xử lý con rể. 

Từ ngày về làm dâu, mọi chuyện trong nhà, tôi đều phải nói nhỏ vì sợ mẹ đẻ nghe thấy. Mỗi lần bố tôi uống rượu rồi cất giọng mắng chửi mẹ tôi, cả nhà chồng đều nghe được khiến tôi ái ngại.

Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng năm vừa rồi thực sự quá bi hài với tôi. Hôm 29 Tết, tôi đi chợ mua sắm đủ thứ cho nhà chồng. Vì năm đầu làm dâu, nên tôi phải cố gắng thể hiện sao cho tốt. Thấy tôi nổ xe máy, mẹ vội chạy ra ngõ chặn hỏi: “Con đi đâu đấy, sắm Tết à?”. Tôi chưa kịp gật đầu thì mẹ đã ngồi lên xe tôi và đòi đi cùng, trong khi mẹ chồng cũng định bảo tôi chở ra chợ sắm đồ. 

Hai bà thông gia nhìn nhau khiến tôi ái ngại. Cuối cùng, mẹ đẻ không thắng nổi mẹ chồng, bà tiu nghỉu nhìn con gái chở “mẹ người ta” đi, trong lòng chắc đầy ghen tị.

Tôi biết tính mẹ nên mua một ít cho nhà chồng cũng phải nghĩ đến nhà mình. Chỉ là mẹ chồng tôi không ưng cho lắm, vì bà phải vác cả đống đồ.

Về đến nhà, tôi mang hoa sang đưa mẹ đẻ nhưng mẹ đứng ở bờ tường này nhìn sang nhà chồng tôi bĩu môi bảo: “Hoa của nhà con đẹp hơn, nở to hơn nhà mẹ nhỉ? Hoa nhà mẹ là hoa loại 2 à? Đúng là nuôi con gái…”.

Câu nói đó vô tình lọt vào tai mẹ chồng khiến bà không hài lòng, còn tôi chỉ biết nháy mắt, xua tay. Tối 30, gần lúc giao thừa, tôi đang ở bên nhà chồng chuẩn bị lễ cúng thì nghe tiếng bố tôi mắng mẹ ầm ĩ. Tôi biết ngay ông vừa uống rượu, nên vội gọi cho mẹ đưa ông vào trong nhà kẻo đúng lúc giao thừa bố nói linh tinh, nhà chồng tôi nghe được không hay. 

Vừa dứt giao thừa, sang năm mới, cả nhà chồng ngồi uống rượu vang, lì xì, chúc nhau năm mới thì mẹ tôi gọi điện liên tục, bắt tôi sang xông nhà. Chả là năm nay bà đi xem bói bảo tôi được tuổi xông nhà. Tôi dặn mẹ phải xong thủ tục nhà chồng thì tôi mới sang, nhưng mẹ nhấp nhổm không yên. 

Đến 1h sáng, tôi với chồng sang nhà mẹ đẻ chúc năm mới rồi về ngủ. Sáng mùng 1 Tết, tôi dậy từ 5h để chuẩn bị cơm cúng và đón tiếp khách. Mẹ tôi từ bên sân ngó sang, gọi với: “Con ra đây mẹ bảo”. Ngày đầu năm mới, mẹ tôi lại gọi với sang như thế đúng là mất lịch sự. Tôi bực quá xua tay rồi vội vào trong nhà nhắn tin cho mẹ. 

Cả buổi sáng hôm đó, tôi biết mẹ cứ ngó ra, ngó vào xem con gái phải làm những gì. Khổ chỗ rửa bát của nhà chồng ở ngay sân, sát vách nhà mẹ đẻ nên bà chỉ cần nhón chân là có thể nhìn sang. 

Hôm đó nhà chồng làm 5 mâm cỗ. Một mình tôi rửa cả 5 mâm bát. Thấy con gái làm lụng vất vả lại không được ăn mặc đẹp, mẹ tôi tức lắm. Bà cứ lấy điện thoại gọi vào máy tôi liên tục, kêu mẹ ốm để tôi phải sang chăm sóc, không phải rửa bát. Tôi tưởng mẹ ốm thật vội chạy về thì thấy mẹ vừa ngồi vừa cười, kêu tôi không phải rửa bát, cứ để đó cho chồng rửa.

Mẹ không hiểu, mới làm dâu lại đang là ngày mùng 1 Tết, sao tôi có thể để 5 mâm bát cho chồng rửa được? 

Như thông lệ, con gái thường về ngoại ăn Tết vào ngày mùng 2 nhưng mẹ chồng nói nhà tôi gần nên không cần về, ngày nào thích thì chạy sang cũng được. Dù vậy, mẹ đẻ tôi không chịu, bà yêu cầu tôi phải sang nhà ngủ đúng ngày mùng 2 Tết. Chồng tôi bảo nhà gần nên anh không cần sang ngủ cùng vợ, nhưng mẹ tôi không cho. Đầu năm mới, vợ chồng xa nhau là không may mắn. 

Mấy hôm đó, nhà chồng đều có khách. Mẹ chồng liên tục gọi tôi chạy sang làm cỗ nhưng mẹ đẻ nhất định không cho. Bà kiếm cớ đưa tôi đến nhà họ hàng để tránh chuyện nấu nướng, rửa bát. Cứ lúc nào thấy khách đến nhà chồng tôi, là mẹ lập tức đưa tôi đi trốn. Dù trong lòng rất ngại nhưng tôi không biết phải làm sao để chiều lòng đôi bên.

Mẹ bảo: “Con cứ coi như lấy chồng xa đi. Đã về nhà ngoại ăn Tết thì chuyên tâm đi, đừng bận tâm chuyện nhà chồng. Không có con thì mọi năm nhà chồng con vẫn lo được mọi chuyện, con sao phải khổ thế?”. Thực ra mẹ nói cũng đúng. Nếu cứ ngồi bên này mà hóng bên kia rồi có khách lại chạy về dọn dẹp, thì còn gì là về ngoại ăn Tết?

Nhưng tình hình cứ thế này mãi thì thực sự bất ổn. Không chỉ ngày Tết mà ngày thường tôi cũng chẳng thể nào sống yên. Có khi sang năm tôi với chồng phải phấn đấu mua nhà ra ngoài ở riêng mới được. Đúng là một cái Tết bi hài. 

Kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đi qua. Người Việt lại trở về với bồn bề công việc, học hành. Tuy nhiên, những dư âm của ngày Tết hẳn vẫn còn trong mỗi người. 

Hãy chia sẻ với chúng tôi về cái Tết vừa qua của bạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc bình luận phía cuối bài. Trân trọng!

Độc giả Thanh Mai (Hà Nội)