Cách đây đã nhiều năm, một nữ nghệ sỹ mới trúng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã hỏi một đại biểu lâu năm: “Làm đại biểu em phải làm gì?”. Câu hỏi này được lặp lại qua nhiều khóa Quốc hội từ những đại biểu mới, cho dù đó là một cô giáo, bác sỹ trẻ, hay một giáo sư, tiến sỹ, người có địa vị.

LTS: Ngày 20/7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV khai mạc với những gương mặt đại biểu QH mới do nhân dân bầu ra trong kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND vừa qua. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Đức Lam, người có công tác liên quan đến bồi dưỡng đại biểu dân cử.

Ngay ở Mỹ với Quốc hội chuyên nghiệp bậc nhất trên thế giới, một nghị sỹ cũng chia sẻ suy nghĩ: “Nghị sỹ dù thông minh sắc sảo đến đâu cũng không khỏi cảm thấy mất phương hướng khi lần đầu bước chân vào Quốc hội”.

Sở dĩ các vị dân biểu dù ta hay tây, trẻ hay già đều chung ý nghĩ như vậy, bởi lẽ làm đại biểu thật khó. Khó vì ĐBQH sẽ gặp phải những thách thức mới đặc trưng của nghị trường không đâu có.

Thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới đều cho thấy, những kinh nghiệm trước đây về nghề nghiệp, chính trường, cuộc sống chỉ có giá trị phần nào. Đại biểu sẽ nhận trách nhiệm, nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn, đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng đặc thù để làm những công việc muôn hình vạn trạng, khó mô tả.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam  có thêm những nét riêng, ví dụ, đại đa số các đại biểu Quốc hội Việt Nam không chuyên, mà kiêm nhiệm thêm. Hơn nữa, sau mỗi nhiệm kỳ, khoảng 2/3 tổng số đại biểu mới được bầu, còn nhiều điều chưa nắm rõ.

Thế nhưng, không giống như bác sỹ từng trải qua trường y, luật sư qua trường luật, ngay cả các nhà văn, nhà thơ còn có Trung tâm viết văn Nguyễn Du, không có trường lớp nào đào tạo ĐBQH cả. Hơn nữa, cử tri vẫn trông đợi ĐBQH phải có “những phẩm chất nhất định để hoàn thành những công việc khó định danh”.

Vậy ĐBQH làm gì để thành công trong một môi trường mới phức tạp? Trả lời cho câu hỏi này, chỉ có một cách duy nhất: học làm đại biểu.

{keywords}

Phố phường Hà Nội chào đón ngày bầu cử đại biểu QH khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: P.Trần/ VietnamNet

Học cái gì?

Có người ví học làm đại biểu như học lái xe, cái cần thiết hơn không phải là học xe đó cấu tạo ra sao, mà lái nó như thế nào. Cũng như thế, mặc dù cần được bồi dưỡng kiến thức về Quốc hội như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nhưng cái mà đại biểu cần hơn là cách vận hành Quốc hội, cách thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, tức là các kỹ năng. Ví dụ như kỹ năng phân tích chính sách để đọc vị một dự thảo luật; chất vấn đúng và trúng, truy ra trách nhiệm, tránh chất vấn “hớ”, nhạt; tranh luận có lý lẽ, lập luận, dẫn chứng; giữ mối liên hệ với cử tri; làm việc hiệu quả với báo chí…

Ý kiến này là xác đáng, ở nhiều nước nghị sỹ mới cũng chủ yếu học các kỹ năng. Nhất là khi cái xe mà chúng ta đang có lại chưa phải là xe hiện đại, cho nên càng cần những kỹ năng đặc trưng để biết cách lái chiếc xe này.

Cử tri bầu ra đại biểu để nghe được những lời vàng, ý ngọc, tranh luận, thúc đẩy giải quyết những vấn đề đó.

Nghị trường đòi hỏi người đại biểu lên tiếng về những vấn đề của cử tri, của quốc gia, không “mũ ni che tai”; cho phép sự cọ xát, va chạm về lý lẽ, lập luận, miễn là có lợi cho cử tri, cho quốc gia.“Nếu va chạm mà có lợi cho đất nước, cho nhân dân thì cũng nên... va chạm”.

Vì thế, nghị trường là "trận đấu" của những ý tưởng, những quan điểm được thể hiện qua ngôn từ, nhưng không quá khích.

Thậm chí cả những điều tưởng chừng như nhỏ, như làm sao tránh ngủ gật trong phiên họp cũng có “mẹo” được chia sẻ: co cả hai chân lên và giữ thế cho đến lúc hết buồn ngủ. Còn đại biểu khác thì đùa: “Ngồi họp cố gắng giữ cho mình tỉnh táo....".

Bên cạnh đó, dù xe gì thì cũng phải biết luật đi đường: rẽ thì phải xi nhan, đèn đỏ phải dừng, lái xe và khách đều phải thắt dây an toàn… Cũng như vậy, làm đại biểu thì phải đi họp cho đủ; không để xung đột lợi ích làm vướng bận công việc đại biểu; tuân theo những quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội…

Tiếp đó, xe nào thì dùng cho việc nấy. Cũng như vậy, Quốc hội được lập ra để đại diện, lập pháp, giám sát, chứ không thể làm gì khác. Để vận hành cho hiệu quả, không thể không học các kiến thức về chiếc xe, cũng như không thể không học kiến thức về Quốc hội, để tránh việc đem xe con làm những việc của xe tải.

Nguyễn Đức Lam - Thùy Vân