Là nhà giáo, khi biết chuyện chuyện gia đình hai học sinh cho con mình dừng học hẳn phổ thông để tự học ở nhà, tôi không sốc nhưng buồn. 

Sự việc đó như giọt nước làm tràn ly trước những bất cập trong giáo dục. Và xa hơn, “cái kết lặng” như một thông điệp cảnh báo các nhà làm giáo dục khi họ lên kế hoạch, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình – sách giáo khoa nói riêng và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung.

{keywords}
Ảnh: Đinh Quang Tuấn

"Cái kết lặng" – vì bức xúc mà người trong cuộc không thể có một lựa chọn khác. Dừng học hẳn phổ thông là một quyết định táo bạo, có thể đúng, nhưng xét toàn cục thì đó vẫn là một thiệt thòi cho con trẻ. Nhưng nếu họ không tự mình thay đổi, thì chính con họ sẽ còn chịu nhiều thiệt thòi.

Vậy là, niềm tin vào nhà trường bị đứt gãy (tiếp cận về liên tục), bị mờ nhạt (tiếp cận về cường độ), bị biến dạng (tiếp cận về hình thức), bị đẩy về phía đáy (tiếp cận về định lượng). 

Rất nhiều bình luận dù cách thể hiện khác nhau nhưng mẫu số chung vẫn là những bức xúc về tồn tại của nhà trường.

Đó là chuyện dạy thêm – học thêm, bệnh thành tích, áp lực kiểm tra – thi cử, dạy chay – học thuộc lòng, lạm thu trong nhà trường, quan hệ xấu giữa thầy cô với trò, giữa thầy cô với phụ huynh, giữa thầy cô với thầy cô, giữa thầy cô với ban giám hiệu... Đó còn là chuyện về những gia đình khá giả nhưng không đủ điều kiện để tự dạy con mình ở nhà, họ cho con chuyển sang học các trường quốc tế trong nước, cho con đi du học.

Tôi có anh bạn, con anh ấy đang học lớp 10 một trường THPT công lập. Anh đang “chạy vạy” để chuyển con sang học ở một trường quốc tế (vip), có học phí một năm khoảng 600 triệu đồng. Khi tôi hỏi về mục đích thì anh trả lời không thuyết phục lắm, tôi trộm nghĩ phải chăng đó là một “cuộc tháo chạy”? Tôi có nghe cụm từ khá là tiêu cực “tị nạn giáo dục”, dẫu không đồng tình nhưng tôi và có lẽ nhiều bạn đọc vẫn trăn trở.

Con tôi, đang làm việc chung với một người bạn du học ở Úc về. Tôi hỏi: “Bạn ấy công tác thế nào?”, cháu trả lời: “Cũng bình thường ba ạ”. 

Một, hai trường hợp thì không thể có kết luận chính xác, nhưng tôi nghĩ không phải ai đi du học đều làm tốt công việc khi họ ra trường. Vấn đề là ở phương pháp – vâng, phương pháp dạy, phương pháp học. 

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng

Phương pháp ấy lại được chi phối bởi đội ngũ giáo viên, giảng viên, cơ sở vật chất nhà trường, chương trình – sách giáo khoa, giáo trình. Quan trọng hơn, là sự quản lý từ Bộ, Sở xuống đến các cơ sở giáo dục sẽ thay đổi như thế nào? Điều kiện cần để đổi mới thành công lại không được đề cập sâu sắc với những biện pháp mạnh mẽ, trí tuệ, khả thi. 

Dư luận đang quan tâm bước đi tiếp theo của ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Giáo dục mà sai lầm thì hỏng nhiều thế hệ, mà trong quá khứ giáo dục ít nhiều đã mắc sai lầm. Bài học gì được rút ra từ đó, nguyên nhân, biện pháp khắc phục là gì? Bộ GD-ĐT cần công khai để nhà giáo toàn ngành cùng người dân biết, hiểu. Công khai để đối thoại, để tranh luận, để tạo dựng niềm tin. Đó là con đường tốt nhất phát triển giáo dục trong bối cảnh đổi mới.

Lúc này, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào thời điểm nào là thích hợp? Có ý kiến quyết tâm, có ý kiến băn khoăn và có cả ý kiến phản đối về thời điểm bắt đầu. Riêng tôi, vẫn một quan niệm giáo dục là sự nghiệp trăm năm nên phải thận trọng. Và, lúc những ngổn ngang trong ngôi nhà chung giáo dục đang hiển hiện, đang tạo ra lực cản với cường độ lớn mà vội đổ công sức, tiền bạc để đưa triệu triệu người vào chung sống (với cách nghĩ cho họ sinh hoạt trong nội thất sang trọng) thì e rằng viễn cảnh sẽ không sáng sủa, có thể ví von đó là sự… phiêu lưu.

Đổi mới để tiến lên và cùng với đó là sửa sai, về lý là đúng, nhưng giáo dục có đặc thù riêng. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy như thời chiến tranh nhưng thầy ra thầy, trò ra trò, thầy thực dạy, trò thực học, gia đình cùng xã hội thực sự quan tâm giáo dục nên đã đào tạo bao thế hệ tài năng, đức độ, nhiệt huyết, bản lĩnh. 

Giáo dục là thế, mãi là thế. Nhầm lẫn giữa bản chất và phương tiện thì rồi sai lầm nối tiếp sai lầm. Hãy tĩnh tâm để làm lại những điều giáo dục chưa làm tốt, để nhà trường ngăn nắp – tử tế - yêu thương – kết nối – sáng tạo. Mong lắm thay....

Nguyễn Hoàng Chương