“Vài tuần trước, tôi rời Berlin và tới Frankfurt bằng tàu hỏa, sau đó bay qua Tây Ban Nha. Tôi đang ở một thị trấn nhỏ cách Malaga một giờ”, Marsha Jean chia sẻ với South China Morning Post.
Jean nói thêm cô cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được nhập cảnh vào Malaga, sau đó không cần cách ly. Mỗi tỉnh ở Tây Ban Nha có những quy định phòng dịch khác nhau.
“Tôi đang ở lại trang trại được quản lý bởi một cặp vợ chồng già đáng mến. Có 3 tình nguyện viên khác nữa ở đây. Chúng tôi được nuôi ăn, ở để làm những công việc vặt như hái rau. Hôm qua, tôi sơn hàng rào. Nơi này thật đẹp và yên bình”, Jean hướng màn hình máy tính về phía trang trại, nơi ánh nắng rọi lên những cánh đồng rợp bóng cây ô liu và tiếng gà gáy thỉnh thoảng làm xao động sự yên tĩnh.
Jean ở Pakistan. Ảnh: @themarshajean. |
Bắt đầu từ cuộc trốn chạy
Jean bắt đầu lối sống du mục từ khi rời Hong Kong. Dù không muốn nhắc lại, cuộc sống ở nơi cô lớn lên là khoảng thời gian tăm tối.
Năm 18 tuổi, Jean mua vé một chiều đến Australia, dự định tiêu hết sạch tiền, sau đó kết liễu cuộc đời.
“Tôi nhận được sự tự do bằng cách trốn chạy. Lúc đó, tôi là một thiếu niên gầy yếu, muốn tự sát và sợ hãi mọi thứ”, Jean nhớ lại.
Vài tuần sau chuyến du lịch tới xứ sở chuột túi, Jean nhận ra thế giới không phải nơi xấu xa tồi tệ như cô tưởng.
“Tôi có cái nhìn sai lệch về thế giới vì bị ảnh hưởng từ cha mẹ và xã hội. Tôi nhận ra rằng mình có thể làm việc trong lĩnh vực khách sạn hoặc bất cứ ngành nghề nào đủ an toàn. Sau đó, tôi có thể du ngoạn thế giới”, Jean nói.
Cô hồi tưởng khoảng thời gian làm việc tại sòng bạc tư nhân ở London (Anh), cửa hàng lặn biển, các quán cà phê, nhà hàng, và dạy yoga ở Sri Lanka.
“Trước khi rời nhà, tôi đã nghĩ nếu không có bằng đại học, tôi sẽ phải ra đường ở. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến những cuộc phiêu lưu này”.
Jean dùng tài khoản Instagram để ghi dấu những chuyến đi của mình: từ những hình ảnh đi dọc cồn cát của sa mạc Sahara ở Morocco; đi bộ giữa các di tích cổ đại ở Luxor, Ai Cập đến đón bình minh tại các ngôi đền cổ kính ở Bagan, Myanmar hay trên đỉnh những vách núi đá trong vườn quốc gia Sarek ở Lapland, Thụy Điển.
Năm 2018, Jean dành 19 ngày đi bộ xuyên qua Hành lang Wakhan ở Afghanistan, sử dụng một con lừa để thồ đồ đạc (ảnh trên). Jean 19 tuổi, ở Iran (ảnh dưới). Ảnh: Marsha Jean. |
Năm 19 tuổi, Jean chu du từ Iran đến Pháp qua Iraq.
“Tôi muốn thử thách nỗi sợ của chính mình. Dù không khuyến khích mọi người quá giang, trải nghiệm đó đã dạy tôi rằng trên đời này vẫn còn nhiều người tốt”, cô nói.
Ở tuổi 21, Jean thuê một con lừa và đi bộ cùng chủ của nó trong 19 ngày qua Hành lang Wakhan của Afghanistan, một trong những nơi xa xôi nhất trên Trái Đất mà không có dịch vụ bưu chính, sóng di động hay Internet, để thăm các cộng đồng du mục trên đường đi. Cùng năm đó, cô đạp xe một mình xuyên Kyrgyzstan, Tajikistan và miền Bắc Pakistan.
“Dù chỉ mới biết qua loa, tôi bỗng nổi hứng mua chiếc xe đạp và thực hiện hành trình đi qua Kyrgyzstan và Tajikistan dọc theo đường cao tốc Pamir huyền thoại. Đó là con đường cao thứ hai trên thế giới, dọc theo một đoạn của con đường tơ lụa cổ đại. Phần lớn đường không trải nhựa, với nhiều đèo cao phải băng qua. Nơi cao nhất có độ cao 4.655 m so với mực nước biển. Cứ 3 giây tôi phải dừng lại một lần để lấy hơi”, cô kể.
Jean thực hành triết lý du lịch chậm - cách nhìn thế giới đặt trọng tâm vào sự kết nối với con người và văn hóa địa phương. Thức ăn và âm nhạc đã giúp cô củng cố những mối liên kết này.
Cô gái 23 tuổi cũng là tình nguyện viên tại tổ chức phi chính phủ và giúp xây dựng trường tại ngôi làng xa xôi ở Nepal.
“Tôi sống rất chậm rãi. Tôi đã dành 6 tháng ở Pakistan, 7 tuần ở Afghanistan, 10 tháng ở Australia”, cô kể.
Jean cũng từng thử du ngoạn bằng nhiều loại phương tiện như đi vòng quanh miền Bắc Việt Nam bằng xe máy và đi thuyền giữa các đảo Lombok và Flores của Indonesia.
Ước muốn sau những chuyến đi
Qua mỗi chuyến đi, Jean muốn định hình lại những quan niệm sai lầm về thế giới.
“Xã hội hiện đại khiến chúng ta e sợ những nền văn hóa khác. Thế giới được xem như nơi đầy rẫy hiểm nguy qua những câu chuyện tồi tệ và bi kịch. Tất nhiên vẫn luôn có những rủi ro, nhưng tôi thấy thế giới thật nhiều người tử tế”, Jean nói.
Cô chia sẻ thêm: “Chúng ta vẫn luôn được dạy phải dè chừng với người khác, đặc biệt là với các quốc gia ở Trung Đông. Nhưng đó lại là nơi tôi được gặp những người tốt bụng nhất”.
Jean cũng hy vọng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho mọi người bởi các phương tiện truyền thông thường không nhắc đến những phụ nữ châu Á mạo hiểm. Cô mong muốn qua việc chia sẻ câu chuyện của mình có thể đặt nền móng cho những thay đổi nhỏ.
Jean tại Elephant Rocks, Công viên Quốc gia Vịnh William ở Tây Australia. Ảnh: @themarshajean. |
Jean cũng có ngân sách chặt chẽ cho những chuyến đi và chủ yếu đặt chân tới các quốc gia có chi phí sinh hoạt thấp.
“Trong hai năm đầu tiên của chuyến du lịch, tôi đã chi 10.000 EUR (11.720 USD)”, cô kể. Trong chuyến đi xe đạp qua Trung Á, cô tiêu tốn khoảng 2-3 USD/ngày.
“Thay vì ở khách sạn hoặc nhà trọ, tôi thường cắm trại ở nơi hoang dã hoặc ở nhờ nhà người dân địa phương. Tôi xem du lịch như cuộc hành hương phi tôn giáo. Bằng cách mạo hiểm đến những địa điểm không biết trước và bước ra khỏi vùng an toàn, tôi đã thay đổi rất nhiều”.
Jean muốn chia sẻ câu chuyện của mình với quê hương nơi cô sinh ra để truyền cảm hứng, động lực cho những người khác vượt qua nỗi sợ và theo đuổi ước mơ của họ.
Theo Zing
Cuộc sống hồi sinh của cô gái trải qua 200 lần phẫu thuật vì bị tạt axit
Tưởng rằng cuộc đời sẽ bị hủy hoại sau màn đánh ghen "nhầm" tàn độc, cô gái trẻ vẫn kiên cường chiến đấu vượt qua vô số những đau đớn. Hình ảnh hiện tại của cô khiến ai nấy đều kinh ngạc.