Ngành công nghiệp đào Bitcoin khiến nhiều người thành triệu phú, nhưng theo các chuyên gia, hoạt động khai thác Bitcoin sẽ tiêu tốn lượng dự trữ toàn mạng lưới và dẫn tới thiếu hụt điện cho các khu dân cư. Không những thế, những mỏ đào Bitcoin có thể chiếm chỗ của những ngành nghề vốn có thể mang lại nhiều công việc hơn cho người dân địa phương.
Những nơi đặt máy đào Bitcoin sẽ phải đối mặt với những hậu quả gì?
Theo MIT Technology Review, nếu một người mua Bitcoin vào năm 2017, thì hôm nay người đó sẽ trở thành triệu phú. Nhưng trong khi ngành công nghiệp này đã mang lại lợi nhuận cho một số người, thì các cộng đồng địa phương đã phải trả giá.
Hoạt động đào Bitcoin bắt đầu bùng nổ từ năm 2016, khi công ty Bitmain cho ra đời các cỗ máy chuyên dụng. Giới thợ đào tìm kiếm nguồn điện giá rẻ trên khắp thế giới để vận hành. Mạng lưới Bitcoin hoạt động theo phương thức bằng chứng công việc (PoW) nên cần nhiều năng lượng. Theo đó, mỗi giao dịch trên hệ thống tiêu tốn 1.173 kilowatt điện, nhiều hơn lượng tiêu thụ của một gia đình trung bình tại Mỹ suốt một tháng.
"Cuộc đua vũ trang giữa các mỏ đào bắt đầu gần như chỉ sau một đêm", Colin Read, giáo sư ngành kinh tế ở Đại học New York, cho hay.
Thành phố Plattsburgh ở bang New York được giới thợ đào chú ý vì có nguồn điện rẻ hàng đầu nhờ năng lượng từ các thủy điện thuộc quyền quản lý của Cơ quan Năng lượng Niagara.
Chẳng hạn, công ty đào tiền số Coinmint thuê một cửa hàng Family Dollar ở Plattsburgh, triển khai máy chủ kín mặt sàn và vận hành chúng 24/7. Khi công ty muốn mở rộng hoạt động sang trung tâm thương mại gần đó, quản lý Sở chiếu sáng Plattsburgh Bill Treacy nói họ phải tự đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 140.000 USD. Ông bất ngờ vì Coinmint không phản đối chi trả khoản tiền, và sau đó tiêu thụ tới 10 megawatt, ước tính lượng điện này có thể cung cấp đủ cho 4.000 hộ dân địa phương.
Nhiều thợ đào khác cũng nhanh chóng nối bước Coinmint, thậm chí có người đề nghị sử dụng tới 5 gigawatt, cho thấy các mỏ đào coin "khát" năng lượng như thế nào. Tuy nhiên, Treacy phải từ chối vì "con số đó tương đương một phần tư lượng tiêu thụ của toàn bang New York trong một ngày". Giới chức Plattsburgh cho biết họ nhận được đơn đăng ký khởi động mỏ đào tiền số hàng tuần.
Đến tháng 1/2018, Plattsburgh trải qua một đợt rét đậm, dẫn đến lượng điện người dân sử dụng cho các máy sưởi tăng lên. Kết quả, thành phố nhanh chóng vượt ngưỡng tiêu thụ thủy điện và phải mua năng lượng từ nơi khác với giá cao hơn.
Khi mùa đông dài kết thúc, các khu vực xung quanh phát hiện mỏ đào Bitcoin sinh ra lượng nhiệt khổng lồ và cần thông khí liên tục để không bị quá nóng. Tuy nhiên, việc giảm nhiệt này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các khu vực xung quanh. Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2018, hoạt động đào tiền điện tử ở bang New York đã làm tăng thêm 165 triệu USD trong hóa đơn điện hàng năm với doanh nghiệp nhỏ và 79 triệu USD với cá nhân.
Nhà kinh tế học Matteo Benetton, giáo sư tại Trường kinh doanh Hass thuộc Đại học California ở Berkeley, cho rằng các mỏ đào có thể gây suy thoái kinh tế địa phương. Với những nơi có nguồn cung điện cố định, hoạt động này sẽ tiêu tốn lượng dự trữ toàn mạng lưới và dẫn tới thiếu hụt điện, buộc giới chức điều tiết hoặc thậm chí là gây mất điện diện rộng. Với khu vực dồi dào năng lượng, mỏ đào có thể chiếm chỗ của những ngành nghề vốn có thể mang lại nhiều công việc hơn.
"Có lợi ích cho cá nhân, nhưng xã hội phải trả giá", ông Benetton nói.
Biện pháp siết chặt
Trước tình trạng trên, từ 2017, Ủy ban Dịch vụ công New York bổ sung quy định yêu cầu người tiêu thụ nhiều năng lượng phải trả phí cao hơn, cũng như buộc các công ty khai thác tiền điện tử bịt kín những cơ sở hạ tầng đặc thù và đóng một khoản tiền để bảo đảm họ có khả năng chi trả hóa đơn năng lượng. Coinmint phải đóng bảo lãnh hơn một triệu USD, dựa trên hóa đơn điện trong hai tháng gần nhất.
Nhà kinh tế học Matteo Benetton cho rằng, lợi ích kinh tế lớn khuyến khích mỏ đào vận hành càng nhiều máy móc càng tốt, nhưng cần tăng cường minh bạch trong tiêu thụ năng lượng.
Trong khi đó, GS. Colin Read cho hay, các lệnh cấm chỉ khiến thợ đào chuyển dịch mối nguy hại đến những địa điểm mới. Ví dụ, khi Trung Quốc cấm đào Bitcoin để đáp ứng mục tiêu phát thải hồi năm 2021, hoạt động được chuyển sang những nơi như Kazakhstan, nơi nguồn điện chủ yếu là nhiệt điện than. Ông cho biết tiêu thụ năng lượng của mạng lưới tiền điện tử sẽ tăng thêm 30% vào cuối thập niên 2020, tạo thêm 32,5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
"Chừng nào giá Bitcoin còn tăng, phần thưởng cho hoạt động khai thác cũng tăng theo, kéo theo tiêu thụ năng lượng. Hơn 32 triệu tấn CO2 mỗi năm sẽ khiến khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn, dù nó đến từ New York hay Kazakhstan. Tất cả đều phải hứng chịu hậu quả", ông nói.
(Theo Nhịp sống kinh tế, MIT Technology Review)