Danh thiếp của Derek Peterson - Giám đốc công nghệ của Boingo Wireless (Mỹ) - luôn nằm trong tay ông, theo đúng nghĩa đen.
Ông đã được cấy một con chip chứa thông tin liên lạc vào giữa ngón cái và ngón trỏ. Từ đó, những người mới quen biết đều có thể dùng điện thoại để tìm hiểu thông tin chi tiết về ông.
Những nỗ lực truyền tải thông tin qua con chip thường gây ra sự bối rối và hoài nghi. Ông nhận ra rằng một số điện thoại cần tải xuống ứng dụng trước khi quét con chip trong tay mình, vốn sử dụng công nghệ kết nối trường gần (NFC).
Đầu đọc NFC của một số điện thoại cũng không đủ mạnh để phát hiện con chip trừ khi được đặt trực tiếp trên tay ông.
“Tôi gần như là một cyborg (sinh vật nửa người, nửa máy). Điều đó khá thú vị”, ông cho hay.
Danh thiếp công nghệ cao lên ngôi
Những tấm danh thiếp truyền thống, với số lượng suy giảm trong những năm qua, đã thất sủng do đại dịch Covid-19, khi nhiều người làm việc tại nhà và chuyển các hội nghị sang hình thức trực tuyến.
Ngay cả ở thời điểm hiện tại, khi việc tiếp xúc trực tiếp đã gia tăng, nhiều người cũng không thích quay trở lại việc sử dụng danh thiếp truyền thống. Họ coi đây là sự trao đổi vi khuẩn, không thân thiện với môi trường và mất công.
Thay vào đó, họ đang chuyển sang các giải pháp điện tử một phần hoặc hoàn toàn. Chúng có thể có dạng thẻ có mã QR, thẻ kỹ thuật số có thể quét được hoặc chip được gắn trong các vật dụng, cho phép mọi người chia sẻ thông tin liên hệ bằng một lần nhấn.
Derek Peterson đưa thông tin liên lạc của mình vào một con chip và cấy nó vào tay mình. Ảnh: Derek Peterson. |
Ông Peterson đã nhận được thẻ của mình từ Dangerous Things, một công ty công nghệ thực hiện cấy ghép trên người. Nếu số điện thoại thay đổi, chip có thể được cập nhật trực tuyến.
Tuy nhiên, viễn cảnh về "thế giới hậu giấy tờ" cũng không phải là không có rào cản.
Atlas Vernier đã từ chối danh thiếp bằng giấy để ủng hộ việc đeo một nhẫn NFC có gắn chip bên trong. Sau khi được quét, thông tin của Vernier, 21 tuổi, sẽ hiển thị trong điện thoại của người nhận.
Vernier thường phải di chuyển chiếc nhẫn để tìm kiếm điểm có kết nối mạnh nhất trong đầu đọc NFC trên điện thoại.
Khi một người tham dự hội nghị gần đây hỏi thông tin liên hệ của Robert F. Smith, vị tỷ phú này đã cung cấp tấm thẻ nhựa trắng có in mã QR màu vàng. Vị khách cầm điện thoại để quét song không có chuyện gì xảy ra.
Trong những phút tiếp theo, vị khách loay hoay đưa điện thoại ra xa rồi lại gần tấm thẻ, ông Smith cũng phải thử các cách cầm và góc tiếp xúc khác nhau. Khi mọi chuyện không hiệu quả, ông Smith rút ra một thẻ khác có mã QR màu đen. Lúc đó, việc trao đổi thông tin mới thành công.
“Tôi đánh giá cao các giải pháp công nghệ có ý nghĩa tốt. Tôi không nhớ thẻ giấy một chút nào cả”, ông nói.
Chưa sẵn sàng từ bỏ danh thiếp giấy
Ayomide Joseph, một nhà tiếp thị nội dung, đã cố gắng sử dụng mã QR để chia sẻ thông tin liên hệ với các chuyên gia an ninh mạng, nhưng họ từ chối.
FBI đã đưa ra cảnh báo về việc tội phạm mạng chuyển hướng mã thông tin đến các trang web lừa đảo. Bên cạnh đó, quyền riêng tư vẫn là mối quan tâm đối với một số người.
Ông Joseph cho biết cũng gặp khó khăn với nhiều người, chủ yếu là người lớn tuổi. Họ không có mối lo ngại về an ninh mà chỉ đơn giản là không thích điều đó. Với họ, ông Joseph sẽ viết thông tin liên lạc ở mặt sau một tấm thẻ nhựa.
Nicole Bishop, Giám đốc điều hành một công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế, đặt mã QR trên màn hình chính trong điện thoại di động. Chiếc mã này cho phép người quét có thể gửi thông tin liên hệ cho thiết bị của cô.
Ayomide Joseph phát cho mọi người danh thiếp có mã QR. Ảnh: Ayomide Joseph. |
Cô Bishop cho biết luôn mang theo hai bộ sạc điện thoại, vì hết pin có thể là một yếu tố ngăn cản việc trao đổi thông tin.
VistaPrint, một công ty dịch vụ tiếp thị thuộc sở hữu của Cimpress PLC, đã thêm mã QR vào các mẫu danh thiếp vào tháng 11/2020. LinkedIn đã thêm một tính năng để người dùng tạo mã QR vào năm 2018.
Rob Krugman, Giám đốc kỹ thuật số của Broadridge Financial Solution, gần đây đã cung cấp mã QR đến LinkedIn của mình cho khách tại một bữa tiệc tối.
"Chúng tôi không cần gọi chúng là mã QR; nó là một từ nghe rất đáng sợ. Nếu mã này giúp kết nối trải nghiệm vật lý với trải nghiệm kỹ thuật số, thì từ tôi dùng để gọi nó sẽ là điều kỳ diệu", ông nói.
Nhưng mạng di động hoặc kết nối Wi-Fi yếu có thể hủy hoại điều kỳ diệu đó. “Bạn thử đi thử lại và cuối cùng đành từ bỏ nếu không được", ông Krugman nói.
Một số người chưa sẵn sàng từ bỏ việc lưu giữ tấm danh thiếp giấy. Ross Fishman, Giám đốc điều hành của Fishman Marketing, nhận thấy danh thiếp giấy đặc biệt hữu ích khi gặp gỡ nhiều người tại các hội nghị. Ông ghi chú vào mặt sau của các tấm thẻ, về cách ông biết đến họ và những gì đã được thảo luận.
Công ty của ông giúp các văn phòng luật thiết kế lại danh thiếp bằng giấy và sử dụng chúng một cách hiệu quả. Ông khẳng định sẽ không loại bỏ những tấm danh thiếp giấy mà thậm chí đang tiến dần đến những gì ông coi là sự kết hợp trong tương lai.
Ông cho biết có thể thêm mã QR vào thẻ để giúp những người thích quét chúng cảm thấy tiện lợi hơn.
(Theo Zing)