Danh sách tỷ phú ở Đồng Kỵ giờ cứ teo dần, nhiều người đã bỏ đi làm công nhân khi máy Trung Quốc thay bàn tay người thợ.
Chết tỷ phú mới nổi
Từng được xem là làng tỷ phú bậc nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, thế nhưng đến nay danh sách tỷ phú ở làng Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) cứ teo dần, người ôm nợ, người phá sản...
Ông Nguyễn Quảng Dân, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ xác nhận thông tin này. Ông bảo, ở Đồng Kỵ tỷ phú mới nổi rất nhiều, đều đi vay ngân hàng nọ, ngân hàng kia về làm ăn. Những người đó còn trong tay vài tỷ đồng, lập tức được gắn mác tỷ phú. Thế nhưng, các tỷ phú này làm ăn chộp giật một vài năm rồi đi xuống.
"Nhiều tỷ phú "chết" vì "ôm" gỗ. Chẳng hạn, người có trong tay 3 tỷ nhưng ôm lô gỗ 5 tỷ, có 2 tỷ nhưng ôm lô tới 6 tỷ..., vậy là phải đi vay. Nhưng giá gỗ lên xuống thất thường, đã đi vay để làm ăn, lại "ôm" gỗ lâu năm thì chỉ có nước phá sản.
Gỗ có loại xấu, loại đẹp. Gỗ đẹp giá xuống một thời gian rồi sau vẫn đứng giá, còn gỗ xấu lúc nhập cao, sau không bán được bằng giá nhập nên lỗ.
Sản xuất đồ gỗ tại Đồng Kỵ. Ảnh: VnMedia |
Khoảng năm 2013 trở về trước, thị trường đang lên, nhiều người phất, nhưng sau đó thị trường đảo chiều, nhiều người lúc ôm gỗ thì giá cao, đến khi bán ra giá thấp khiến lợi nhuận sụt giảm, thâm hụt cả vào vốn gốc. Lúc thị trường đi lên, người ta vay nhiều để làm cố, cứ nghĩ giá còn lên nữa, nhưng hóa ra sau giá càng ngày càng xuống thấp và họ không kịp bán, thế là lỗ.
Ở Đồng Kỵ 10 người may ra mới có 1-2 người có vốn thật, những người ấy không mất nhiều, họ có thể đợi thị trường xuống rồi lại lên. Chỉ những người trường vốn, có căn bản từ trước như vậy mới tồn tại được bao năm nay, chỉ chết người đi vay về rồi được gắn mác tỷ phú nọ kia. Làm ăn kinh tế bị đào thải như vậy cũng là chuyện thường", ông Dân cho biết.
Một nguyên nhân khác khiến tỷ phú ở Đồng Kỵ cứ rơi rụng dần, theo ông Nguyễn Quảng Dân, là do ngày càng nhiều địa phương tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, Đồng Kỵ phải cạnh tranh nhiều hơn, trong khi khách hàng cũng yêu cầu cao hơn.
Đặc biệt, theo ông Dân, làm đồ gỗ phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, khi có đến 80% đồ gỗ ở Đồng Kỵ xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ có 20% phục vụ cho tiêu dùng nội địa.
Khi kinh tế Trung Quốc phát triển, người dân mua sắm nhiều, giá đồ gỗ mỹ nghệ được đẩy lên cao. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc hiện kém hơn mấy năm trước, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, việc tiêu thụ vì thế chỉ nhỏ giọt.
"Bây giờ chỉ doanh nghiệp nào đi vào thực chất, mẫu mã hàng hóa làm kỹ, có uy tín mới tồn tại được, còn làm xấu, làm điêu thì chỉ có nước đóng cửa", ông Dân nói.
Mai một nghề vì máy Trung Quốc
Không chỉ có danh sách tỷ phú ở Đồng Kỵ teo tóp dần, ngay cả nghề gỗ vốn làm nên thương hiệu của Đồng Kỵ cũng đang có nguy cơ bị mai một dần.
Theo ông Nguyễn Quảng Dân, hiện các doanh nghiệp, xưởng gỗ mỹ nghệ đều sử dụng chủ yếu máy chế biến gỗ của Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc).
"Làm máy có độ chính xác hơn, đặc biệt, nếu đục chi tiết nhỏ thì đục máy đẹp hơn. Chưa kể, nếu làm thì một tháng may ra mới được dăm sản phẩm, trong khi làm máy được khoảng 10 sản phẩm, năng suất cao hơn nhiều.
Ở Đồng Kỵ bây giờ ít người theo nghề đục bởi công ăn việc làm khó khăn, chỉ có người tay nghề cao mới tồn tại được, còn người làng nhàng chỉ có nước chuyển nghề khác nên thợ mới không có mấy. Thợ ở đây bỏ đi làm công ty nhiều, nghề gỗ rồi sẽ mai một", ông Dân chia sẻ.
Một điều khiến ông chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ lo lắng nữa là có hiện tượng thương lái Trung Quốc sang Đồng Kỵ thuê đất làm xưởng, mua gỗ, thuê người dân Đồng Kỵ đóng đồ rồi mang về nước.
"Họ vừa đưa cả công nhân Trung Quốc sang, vừa thuê người Việt làm. Lương công nhân Trung Quốc tính ra được trả 40-50 triệu đồng/tháng do giá lao động Trung Quốc cao hơn người Việt.
Thông thường, phần đầu vào như giao dịch, mua gỗ... sẽ do người Việt đảm nhận, còn máy móc, kiểm soát đầu ra do người Trung Quốc làm. Cũng có người tồn tại được, có người phải chuyển bán máy móc", ông Nguyễn Quảng Dân cho biết.
Hiện cơ sở gỗ mỹ nghệ của ông Dân và nhiều cơ sở khác ở Đồng Kỵ chỉ hoạt động cầm chừng. Theo ông Dân, làm gỗ đòi hỏi vốn nhiều, không phải đi vay mấy, mua gỗ về khách Trung Quốc sang đặt cái gì làm cái nấy thì được giá, còn làm trôi nổi theo thị trường khách trả rất rẻ, không cẩn thận doanh nghiệp chỉ có lỗ.
Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ cho biết, tình trạng đìu hiu ở làng nghệ Đồng Kỵ trong vài năm tới sẽ còn bi đát hơn nếu các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ không thay đổi.
Các doanh nghiệp ở Đồng Kỵ đang lên kế hoạch thành lập cụm công nghiệp mới với quy mô 50 ha tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất của các cơ sở kinh doanh gỗ nhỏ lẻ trên địa bàn phường Đồng Kỵ quy tụ thành khu tập trung; giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cùng với định hướng phát triển tại các thị trường xuất khẩu khác như khu vực Đông Nam Á…, cũng như cải tiến mẫu mã để hướng tới các thị trường xuất khẩu khác ổn định và giữ vững thị phần trong nước.
Đáng lưu ý, theo ông Vương, các thị trường khó tính như EU, Mỹ... đều yêu cầu xuất xứ nguồn gốc gỗ. Khi thành lập cụm công nghiệp, sản xuất tập trung, các doanh nghiệp phải cam kết sử dụng gỗ hợp pháp. Trong khi đó, trước nay, phần lớn thị phần xuất khẩu gỗ quý hiếm được xuất khẩu sang Trung Quốc.
(Theo Đất Việt)