LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Doanh nghiệp trong nước còi cọc
Trong những năm vừa qua sau Đổi mới xuất hiện một vài doanh nhân tỷ phú người Việt Nam như Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Trần Bá Dương (Thaco), Nguyễn Thị PhươngThảo (VietJet Air),… không ít người nghĩ rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thông thoáng và đây là thời phất lên của các doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng những doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân phất lên nhanh chóng như kể trên vô cùng ít, hơn nữa đó là những doanh nghiệp được ưu đãi đặc biệt.
Còn lại hầu hết các doanh nghiệp khác vẫn bị hành với không biết bao nhiêu rào cản như đủ các loại giấy phép, đủ các loại phí bôi trơn nên không thể lớn nổi. Đã hơn 30 năm Đổi mới mà khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước mới chỉ chiếm 8-9% GDP cho thấy sức sống của họ vẫn bị èo uột như thế nào.
Phát biểu tại Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vẫn còn 58% doanh nghiệp trong nước bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.
Những con số trên đây cho thấy, dù các bộ ngành và các địa phương đã có chuyển biến trong cải cách thủ thục hành chính, tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Nhưng so với kỳ vọng của doanh nghiệp, của xã hội thì đó cũng chỉ mới là sự nới ra của khe cửa hẹp mà thôi.
Hơn nữa, những con số đó chưa hẳn đã phản ánh đúng thực trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu. Vì một bộ phận tương đối lớn doanh nghiệp được xem là “sân sau” thì quan hệ giữa doanh nghiệp với công chức, viên chức là quan hệ làm ăn, là lợi ích nhóm nên họ không coi tiền chia chác sau mỗi phi vụ làm ăn là phí bôi trơn.
Đổi mới tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân giúp mở đường cho kinh tế đất nước phát triển. |
Tình trạng “sân sau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước 21/11/2018: "Có ông không chỉ một sân sau mà còn 2, 3 thậm chí là 13 - 14 sân sau”.
Tình trạng “sân sau”, dẫn đến vấn nạn doanh nghiêp chui cửa trước, luồn cửa sau, cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh. Đây cũng là lực cản rất lớn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII) đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế” và trong mấy năm qua, Chính phủ đã hành động với phương châm “xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ liêm chính”.
Thủ tướng đã rất rốt ráo, quyết liệt trong chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương xóa bỏ các rào cản nhằm mở đường cho doanh nghiệp phát triển nhưng cho đến nay, khoảng cách giữa quan điểm với thực tế, giữa quyết tâm với hiện thực còn rất xa.
Mặc dù vậy, tình trạng không công bằng về chủ trương chính sách đối với các loại hình doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản.
Theo ông Vũ Tiến Lộc: "Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân".
Thực trạng trên đây cho thấy việc xóa bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn rất chậm chạp và vô cùng gian nan.
Đây là nguyên nhân, làm cho hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn cứ còi cọc.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp quy mô lớn ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 1,9%; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 98,1%.
Ba rào cản lớn
Nguyên nhân của thực trạng này tập trung ở ba vấn đề dưới đây.
Thứ nhất, sự chai lỳ của một bộ phận quan chức ở các bộ ngành và các điạ phương. Dẫu các doanh nghiệp đã thống thiết kiến nghị, dẫu Thủ tướng Chính phủ đã rất rốt ráo, quyết liệt chỉ đạo trong mấy năm qua nhưng vẫn chưa phá bỏ được bức “tường thành” chai lỳ của bộ phận công chức, viên chức này.
Vì lợi ích cá nhân, loại công chức, viên chức này quyết giữ bức “tường thành” chai lỳ. Họ không hề quan tâm tới liêm sỉ và lại càng không quan tâm tới lợi ích doanh nghiệp, lợi ích quốc gia mà chỉ biết vơ vét cho bản thân và gia đình.
Thứ hai, dư địa của hệ thống văn bản pháp luật để cải cách thủ tục hành chính mở đường cho doanh nghiệp phát triển nhiều lĩnh vực đã kịch trần.
Hiện nay, các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Ngân hàng, các Luật về Thuế… nhiều nội dung không còn phù hợp, không đảm bảo thông thoáng cho đầu tư cũng như phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là phát triển theo quy mô lớn.
Những hạn chế của hệ thống văn bản pháp luật không chỉ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp mà còn là lỗ hổng để các bộ ngành, địa phương sản sinh ra các loại “giấy phép con”; để công chức, viên chức định ra các loại phí “bôi trơn” hành doanh nghiệp.
Thứ ba, cần đổi mới những lĩnh vực khác để đồng bộ với đổi mới kinh tế.
Từ Đại hội Đảng VI (1986), thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, nước ta đã có một bước tiến dài và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đổi mới về tư duy, về hệ thống chưa gắn liền với đổi mới kinh tế.
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII đã nêu: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ".
Cũng với quan điểm này, tại Đại hội Đảng XII, ông Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã thẳng thắn đánh giá: "Bao năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển”.
Thực tế trên có phải là nguyên nhân làm cho khu vực doanh nghiệp trong nước không lớn lên được trong khi các nguồn lực khác cho phát triển không được phân bổ, sử dụng hiệu quả như mong muốn?
Để đất nước tăng tốc cất cánh
Bởi vậy, trước Đại hội Đảng XII, nhiều cán bộ lão thành, nhiều chuyên gia và nhà khoa học tâm huyết với tiền đồ quốc gia cũng đã đề xuất có cuộc Đổi mới lần thứ hai.
Nguyện vọng chung của toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, cũng thiết tha với điều đó.
Xét về lý luận, nguyện vọng đó hoàn toàn phù hợp với quy luật “Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng”; và “Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, trong đó kinh tế giữ vai trò quyết định chính trị còn chính trị tác động mạnh mẽ trở lại kinh tế” như Marx đã chỉ ra.
Có thể khẳng định, làm theo những nguyên lý trên vừa hợp quy luật vừa giúp giải quyết nhu cầu bức thiết trước yêu cầu phát triển của đất nước.
Trước hết phải đổi mới tư duy về xây dựng nhà nước pháp quyền; về thể chế kinh tế, nhất là quan điểm phát triển kinh tế tư nhân.
Trong phạm vi bài này, người viết bài chỉ đề cập đến một vài khía cạnh đổi mới tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân và giải pháp mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển.
Để nhận thức được vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, hãy nhìn ra thế giới sẽ thấy, tất cả các quốc gia trở thành những nước công nghiệp hiện đại đều lấy kinh tế tư nhân làm chủ thể xương sống của nền kinh tế.
Nhờ vậy, ở các quốc gia đó đã ra đời các tập đoàn, công ty kinh tế tư nhân hùng mạnh trở thành đầu tàu của nền kinh tế, có giá trị thương hiệu toàn cầu và trở thành niềm tự hào của đất nước.
Chẳng hạn như ở Mỹ có các tập đoàn Walmart, Exxon Mobil, Berkshire Hathaway, Apple, Amazon, General Motors. Nhật Bản có Toyota Motor, Nippon Telegraph and Tel, Mitsubishi UFJ Financial Group, Honda Motor, Sony. Hay Hàn Quốc có Samsung, Hyundai Motor, POSCO, Kia Motor, LG …
Không những vậy, ở tất cả các nước phát triển, yếu tố đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững là thành phần kinh tế tư nhân trong nước chứ không phải các doanh nghiệp kinh tế nhà nước hay các doanh nghiệp FDI.
Ngược lại, hầu hết các quốc gia lấy các doanh nghiệp kinh tế nhà nước làm chủ đạo hoặc quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, hay phụ thuộc vào nguồn vốn vay mượn trong và ngoài nước sớm muộn đều rơi vào tình trạng vỡ nợ như đã từng diễn ra ở Brazin, Achentina, Hy Lap… Hay hiện tại như Venezuela đang bên bờ vực sụp đổ.
Qua đó có thể khẳng định, khi kinh tế tư nhân trong nước chưa phát triển lành mạnh, bền vững thì nền kinh tế quốc gia khó có thể đứng vững trên đôi chân của mình.
Bởi vậy, Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa trong việc cải cách thể chế phù hợp với phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.
Trước hết hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế, loại bỏ mọi rào cản, phát huy tối đa quyền tự chủ của địa phương và cơ sở, phát huy tính năng động sáng tạo của doanh nghiệp, mở đường cho những nỗ lực cải cách ở tất cả các cấp.
Đây là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ hai của nền kinh tế nước ta. Chỉ có như vậy Việt Nam mới thoát khỏi tụt hậu và phát triển bứt phá, cất cánh hóa rồng.
Nguyễn Huy Viện
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: [email protected]