Sáng nay, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì cuộc kiểm tra với 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phú, Phú Thọ, Hải Dương.
Ảnh: Nhật Bắc |
Đây là tổ công tác chứ không phải Ban thi đua khen thưởng
Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (thuộc VPCP) Ngô Hải Phan khái quát một số kết quả triển khai chính quyền điện tử cho thấy tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến VPCP đến ngày 20/8 của một số địa phương chưa cao. Nhiều địa phương chưa áp dụng đầy đủ chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản điện tử.
"Điều này sẽ phát sinh công việc cho đội ngũ văn thư khi phải thực hiện thêm các bước scan văn bản ký trực tiếp, đưa vào hệ thống sau đó mới thực hiện ký số tổ chức và phát hành", Cục trưởng cảnh báo.
Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm triển khai giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến. Tình trạng nhiều hồ sơ giải quyết TTHC quá thời hạn quy định như Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm xử lý quá hạn 67 hồ sơ TTHC...
Ông Ngô Hải Phan đề nghị khắc phục tình trạng các địa phương cung ứng các dịch vụ công trực tuyến một cách tràn lan, áp dụng tới hàng nghìn dịch vụ nhưng không phục vụ thiết thực người dân, DN.
“Về bản chất, việc ký số điện tử chỉ hiệu quả khi chính quyền phải xử lý được hồ sơ trên môi trường điện tử.
Thực tế hiện nay, quy trình tại hầu hết các cơ quan vẫn là in văn bản giấy, đưa lãnh đạo ký xong rồi mới scan văn bản, chuyển sang dạng số rồi mới qua mạng chứ không ký số gì hết.
Đó là cách làm chống chế, không thực chất”, ông Phan nhấn mạnh.
Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu lại quan điểm của Thủ tướng là “làm đâu chắc đó, nếu không chắc thì không làm”.
Ông cũng lưu ý các địa phương, "đây là tổ công tác chứ không phải Ban thi đua khen thưởng", cái gì làm được, không làm được thì nói ra. Bộ trưởng đề nghị các ý kiến trao đổi, trả lời sòng phẳng và đi thẳng vào những vấn đề cần tháo gỡ.
Bộ trưởng lưu ý xây dựng chính quyền điện tử phải từ cơ sở cải cách hành chính để dẫn dắt, công nghệ thông tin chỉ là phương tiện để phục vụ cải cách ấy.
Ông dẫn chứng, hiện VPCP xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng toàn bộ DN đầu tư nhà nước thuê lại.
"Chính phủ không phải đầu tư gì, toàn bộ Ipad do DN đầu tư. Chúng tôi không tăng thêm biên chế. DN làm dịch vụ, hàng năm Chính phủ trả tiền", Bộ trưởng chia sẻ.
Cải cách phải tính ra bằng tiền, thời gian
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà nêu vướng mắc: "Lãnh đạo trưởng phòng, sở ngành ngồi một chỗ xử lý nhưng vẫn quay lại xin chữ ký lãnh đạo. Quy trình vẫn có vướng mắc".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà |
Bà Hà nêu thực tế, người dân vẫn giữ thói quen đến trung tâm hành chính công hơn là làm quen với thiết bị trực tuyến. "Địa bàn hẹp, thà người ta đi xe lên còn nhanh hơn ngồi nhà gửi trực tuyến".
Tỉnh Bắc Giang đã triển khai một cửa qua ứng dụng Zalo để công khai thủ tục hành chính và hướng dẫn thủ tục hành chính trên Zalo cho người dân và DN.
"Người dân rất hào hứng thực hiện. Qua ứng dụng Zalo, người dân thực hiện tốt hơn", bà Hà nói.
Nói về việc ứng dụng các dịch vụ công trên Zalo, Chủ nhiệm VPCP lưu ý: "Chúng ta phải cân nhắc kỹ. Tất cả các phần mềm ứng dụng đó phải đảm bảo tính bảo mật thông tin.
Quảng Trị đặt vấn đề, toàn bộ dịch vụ công đều trên Zalo, Bộ TT&TT tới đây phải đánh giá, xem xét kỹ việc này".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Ông Dũng cho biết, VPCP đang triển khai 1 trung tâm báo cáo quốc gia. Tất cả dữ liệu của các địa phương, bộ ngành chuyển về trung tâm của Chính phủ, muốn chuyển được thì phải chuẩn hóa.
Chủ nhiệm VPCP nêu kinh nghiệm cải cách của Nhật là phải lượng hóa: “Chúng ta nói cải cách nhưng không có chỉ số lượng hóa thì họ không đồng ý. Họ cải cách là tính ra bằng tiền, thời gian chứ không phải như chúng ta cứ hô hào cải cách nhưng không lượng hóa gì cả”.
Phiên họp 10 phút đầu tiên của Chính phủ qua hệ thống e-Cabinet
Phiên họp Chính phủ đầu tiên thông qua hệ thống e-Cabinet dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra chỉ trong vòng 10 phút.
Thu Hằng