Tại hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới” ngày 10/4, GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay, tăng trưởng 8% năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách.

Đó là bởi tác động từ các yếu tố căng thẳng địa chính trị trên thế giới; chính sách thuế quan của Mỹ và phản ứng của các quốc gia...

Theo ông, để duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, ngoài việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế phù hợp là hết sức quan trọng. 

Hệ thống thể chế có tính bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ, giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế. Mặt khác, hệ thống thể chế cũng cần đảm bảo sự phân phối thành quả kinh tế một cách công bằng, giúp cho các thể chế bao trùm này duy trì và mở rộng.

tang truong kinh te.JPG
Theo các chuyên gia, tăng trưởng ở mức 8% năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách. Ảnh: N.L

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và các năm sau nên được xem là đích hướng tới, chứ không phải là mục tiêu phải đạt bằng mọi giá.

Theo ông, để đạt tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tập trung cải cách môi trường kinh doanh, cải cách nền tảng kinh tế và đặc biệt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Phân tích về chính sách tiền tệ, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết Việt Nam đang chịu nhiều ràng buộc. Trong bối cảnh toàn cầu bất ổn, đặc biệt là xu hướng áp thuế quan, các ngân hàng trung ương lớn sẽ duy trì lãi suất ở mức cao, khiến lãi suất toàn cầu khó giảm mạnh. Điều này gây sức ép lên Việt Nam nếu muốn hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng, do nguy cơ dòng vốn quốc tế dịch chuyển ra khỏi thị trường.

Ông nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam hiện không chỉ mở về thương mại mà cả đầu tư, nên chênh lệch lãi suất với thế giới là một ràng buộc lớn. Nếu giảm lãi suất trong nước trong khi thế giới vẫn duy trì mức cao, Việt Nam sẽ khó giữ ổn định tỷ giá và có thể phải đối mặt với rủi ro nợ xấu, dòng vốn chảy vào tài sản thay vì sản xuất.

"Chính sách tiền tệ nên dùng để ổn định kinh tế hơn là thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Muốn tăng trưởng bền vững, phải dựa vào cải cách cơ cấu, đổi mới công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài", ông nói.

Một trong những giải pháp được TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, đề xuất là Chính phủ cần lập ban chỉ đạo liên quan đến cắt giảm quy định, điều kiện kinh doanh; trong đó Thủ tướng là trưởng ban chỉ đạo. 

Còn PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, nhận định, chưa từng có giai đoạn nào trong lịch sử mà quá trình cơ cấu lại, tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra toàn diện và đồng thời như hiện nay.

Theo ông, việc có được "tổng chỉ huy" như hiện nay là tín hiệu tích cực, là cơ sở để chúng ta có niềm tin và thấy được cơ hội lớn để thành công.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng giảm thiểu can thiệp hành chính, tăng hiệu quả thực thi và đảm bảo sự công bằng, minh bạch. Đồng thời, cần cải cách tư duy lập pháp theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả quản lý, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ bỏ quan điểm “không kiểm soát được thì cấm”.

Trong khuôn khổ của hội thảo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”.

Ấn phẩm gồm ba phần. Trong đó, phần I là tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2024, bao gồm các nội dung về diễn biến kinh tế thế giới năm 2024 và tác động đến kinh tế Việt Nam; tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2024 thông qua các khu vực của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách).

Phần II đánh giá thể chế kinh tế Việt Nam, bao gồm khái niệm về thể chế, thực trạng hệ thống pháp luật kinh tế; thực trạng bộ máy nhà nước hỗ trợ kinh tế thị trường.

Phần III triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2025; các khuyến nghị chính sách vĩ mô nói chung và chính sách thúc đẩy cải cách thể chế trong bối cảnh mới.