Những quán café trong lòng phố cổ tạo nên duyên Hà Nội. Duyên là tự nhiên, trời cho. Phố cổ Hà Nội vừa đẹp vừa duyên trong uống café…

Ở phố Bát Đàn có Café Quỳnh, sáng nào cũng đông. Họ lặng lẽ đến, những người khách trung niên, mỗi người một phin, nhẩn nha ngắm “giọt giọt tháng năm rơi”, nhấm nháp chậm. Rồi lặng lẽ rời quán về nhà, hoặc đi đâu đó phố phường…

Nhà thơ Lê Đạt ở phố Lãn Ông. Ông đi bộ ra café Quỳnh gọi tách café phin mỗi sáng, hóm hỉnh bảo Café Quỳnh là phòng khách của tôi. Chủ quán là nghệ sĩ điện ảnh Như Quỳnh, chồng là nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo. Bố mẹ Quỳnh là những nghệ sỹ cải lương vang bóng Hà Nội một thời. Khách café phần đông là bạn văn nghệ. Quán trang trí bằng ảnh ông chủ chụp, nổi bật ảnh Như Quỳnh, vai Nết, phim Đến hẹn lại lên, vai diễn làm nên tên tuổi Như Quỳnh.

Không hiểu sao những vị khách tầm tuổi Lê Đạt lúc bấy giờ, đều chỉ thích uống café pha phin, trong những cái phin nhôm cũ kỹ của một thời Hà Nội bao cấp. Café chảy nhỏ giọt và thường là đen không đường. Tôi ngờ khách ngày ấy thích café đen không đường vì mang vị café nguyên chất. Không nêm sữa, vì café không đường là cách uống giản đơn nhất, và chất nhất của thời bao cấp. Khi Hà Nội qua thời ấy, thi sĩ, văn sĩ già Hà Nội vẫn giữ nguyên thói quen uống đen không đường, bảo tồn thói quen Hà Nội uống café thời gian khó.

Hà Nội còn có Café Nhân, nơi Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn đặc sắc Café Hàng Hành, quán này nằm giữa ngõ Hàng Hành. Chả cứ Hà Nội cổ, thị xã Hà Đông của Hà Nội mới có quán cafe tên đáng yêu: Café Paris Phố cũ. Tôi định mách nước cho tay chủ quán: Cái ghế mà khách ruột Nguyễn Quang Thiều ngồi cùng bạn ngồi đã 20 năm, nên ghi tên ông thi sĩ làng Chùa ấy trên vai ghế, để khách vừa thong thả từng ngụm café đen nóng pha phin vừa ngắm chiếc ghế đặc biệt ấy.

{keywords}

Hồi nhỏ, nhà tôi ở phố Hàng Thùng, cách mấy bước chân là quán Café Lâm nổi tiếng. Ông chủ Lâm mắt kém, mọi người gọi Lâm toét. Ông bán café nhưng yêu nghệ thuật, yêu bạn văn nghệ, nhất là các hoạ sỹ. Ông có bộ sưu tập hội hoạ danh giá từ bậc thầy lớp đầu như ông Vân, ông Cẩn, đến bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái và hoạ sỹ lớp sau như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trịnh Thái v.v.. Nhiều tranh trong số đó, ông Lâm đã đổi bằng café, khi họa sĩ danh tiếng tới uống café phin ở quán ông mà trong túi… nhẹ tiền. Bà Lâm vợ ông mặt phúc hậu, họa sỹ Nguyễn Sáng có vẽ bức chân dung bà bằng sơn dầu trên vải. Họa sỹ Bùi Xuân Phái vẽ bức mặt tiền quán, biển hiệu Café Lâm và bà Lâm đang pha café sau cửa sổ. Ông bà Lâm pha café thường để cả dãy phin đã nêm đủ café bột được rang xay nguyên chất từ café hột. Khách đến, ông chủ chế nước thật sôi vào từng phin, đổ nước thật sôi vào lòng bát đựng phin và lướt nhẹ mặt thìa vào đáy phin, cho café dễ rơi. Bưng ra, đặt lên bàn, ông chào vị khách đến uống. Khi nhìn rõ giọt café rơi chậm từ phin xuống đáy cốc thủy tinh, ông mới quay vào nơi pha chế.

Hồi ấy, tôi uống café chỉ để ngồi lì ở đó ngắm tranh, hy vọng thấy các họa sĩ “ông sao”. Lần đầu tôi thấy Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái chính là ở Café Lâm. Hoạ hoằn mới có tiền đi café, những lúc “khát” tranh, tôi thường lảng vảng ở vỉa hè Café Lâm vờ vịt đi lại, liếc trộm vào trong, cho đỡ thèm. Còn trẻ, tôi không hiểu cái thú uống café đen không đường, sẵn lòng ngồi thiền quán café suốt buổi sáng mùa đông Hà Nội giá buốt của các vị họa sĩ già. Hình như ly café sữa nóng lúc ấy là một thứ xa xỉ, khi người ta chắt bóp mãi mới mua hộp sữa đặc biếu người ốm. Bây giờ, bộ tứ tài danh: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái từ lâu đã về cõi, cùng các cụ Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán…,và đã mang theo xuống suối vàng cả cái cách uống café đen không đường và rất Hà Nội ấy. Thế hệ Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều và trẻ hơn như tôi Nhâm Dần 1962, đã có lúc đổi đồ uống từ café đen sang trà hoặc café sữa nóng, mà Hà Nội gọi chết tên là Nâu nóng…

{keywords}

Sáng nay đọc báo Thanh Niên thấy Bộ ảnh Sài Gòn qua lăng kính ly café sữa đá được trưng bày tại khách sạn Caravelle (Q.1, TP HCM) trong buổi ra mắt sản phẩm café hòa tan Vinacafe Chất – Sài Gòn. Nhìn ảnh trên báo, thấy các cụ có tuổi thong dong uống café Chất, tôi bỗng hoài cổ, nhớ thương các bậc họa sĩ, văn sĩ, thi sĩ… già làng Hà Nội. Giá các cụ còn sống, tôi sẽ mời các cụ ly café Chất ấy, bởi nó đã mang theo thứ café đen đặc pha phin Hà Nội thuở nào, lại hòa tan trong vị sữa đặc ngọt bùi. Tôi sẽ mời các cụ dùng café ấy ở phố cổ Hà Nội và uống theo lối mới, pha café Chất thành nâu nóng Hà Thành. Uống ly café ấy để giữ được bản nguyên café phin phố cổ Hà Nội, Còn những bạn cùng thế hệ tôi, chắc sẽ thích một ly nâu nóng kiểu Chất trong một sáng mùa đông Hà Nội đang chầm chậm đến với rét muộn, nhẩn nha từng ngụm nhỏ nóng hổi, sánh ngọt, câu chuyện làm quà lan nhanh xua tan giá rét…

Cà phê nhé? Nào mời nhau một ly nâu nóng ấy ở góc phố Bảo Khánh-Hàng Hành, gần Nhà Thờ Lớn Hà Nội dịp Tết Bính Thân này, tại sao không?

Họa sĩ Lê Thiết Cương