Vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử luôn được xem là trọng tâm trong các trường học. Nếu môi trường học đường thiếu văn hóa sẽ không thể thực hiện tốt chức năng truyền tải kiến thức cho người học.
Theo TS Ngô Phan Anh Tuấn, Trường ĐH Bình Dương, văn hóa ứng xử trong trường học bao gồm ứng xử của giáo viên với học sinh (thể hiện ở sự quan tâm, tôn trọng học sinh, biết phát hiện ra ưu/nhược điểm để chỉ bảo); ứng xử của học sinh với giáo viên (thể hiện bằng sự kính trọng, yêu quý); ứng xử giữa lãnh đạo với giáo viên (thể hiện ở sự tôn trọng, có lòng vị tha, xây dựng được bầu không khí lành mạnh trong tập thể nhà trường); ứng xử giữa các giáo viên, học sinh với nhau (thể hiện qua cách đối xử mang tính tôn trọng, thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau)...
Văn hóa ứng xử lành mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, giúp mọi thành viên trong nhà trường tập trung quan tâm, nâng cao chất lượng dạy và học.
Để xây dựng nên văn hóa ứng xử, theo TS Ngô Phan Anh Tuấn, người đứng đầu cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, người đứng đầu cần thiết lập hệ giá trị và chuẩn mực về văn hóa học đường. Mỗi nhà trường phải xây dựng hệ giá trị cốt lõi riêng phù hợp với thực tế trường mình để làm chuẩn mực cho mọi thành viên đồng thuận, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu và là thước đo thành quả của bản thân. Hệ giá trị này có thể bao gồm: Kỷ cương, công bằng, thân thiện, dân chủ, tôn trọng, trách nhiệm, trung thực, nhân ái...
Chẳng hạn với giá trị “tôn trọng”, có thể mô tả thành các chuẩn mực như: thừa nhận ý kiến khác biệt của từng cá nhân; tất cả học sinh phải lễ phép, chào hỏi thầy cô; không phân biệt và thành kiến với học sinh; tôn trọng mình và tôn trọng người khác; cởi mở, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau ở nơi làm việc...
Trên cơ sở các giá trị và chuẩn mực ấy, hiệu trưởng nhà trường sẽ chỉ đạo xây dựng và ban hành các quy tắc ứng xử phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Đó là căn cứ để cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện, tự đánh giá, tự góp ý, phê bình và tự điều chỉnh hành vi của mình theo các giá trị, chuẩn mực đã xác định.
Ngoài ra, hiệu trưởng cần quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả; tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho người học thông qua các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa.
Trường học có thể lồng ghép chương trình giảng dạy với các hoạt động dã ngoại trải nghiệm cho học sinh thăm các di tích lịch sử, học tập truyền thống cách mạng lịch sử hào hùng của dân tộc… qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giúp các em có động cơ học tập tốt.
Việc nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh cần thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất như bỏ rác đúng nơi quy định; không bẻ cây, khạc nhổ, vẽ bậy lên tường, bàn học; không hút thuốc lá trong trường học; không nói tục, chửi thề...
Bên cạnh đó, hiệu trưởng có thể tổ chức các phong trào thi đua một cách thực chất. Hiện nay, các nhà trường đang duy trì nhiều phong trào thi đua, nhưng nếu chỉ làm hình thức, đối phó, thiếu tính thiết thực thì những nội dung tốt đẹp của các cuộc vận động không thể trở thành những phẩm chất tốt trong mỗi con người, thậm chí có thể phản tác dụng giáo dục.
TS Tuấn cũng cho rằng, nêu gương là cách giáo dục tốt nhất và nhanh nhất. Một người thầy tồi sẽ không thể đào tạo được những học trò xuất sắc và nhân văn. Một người thầy tốt và giỏi chưa cần dạy đã là gương sáng cho học sinh noi theo.
“Ảnh hưởng văn hóa từ thầy đến trò là con đường cá nhân đến cá nhân. Văn hóa của thầy sẽ truyền sang trò. Sự tiếp xúc văn hóa này có mối quan hệ qua lại, thầy ảnh hưởng tới trò và trò cũng tác động trở lại thầy. Người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức cho học trò mà họ mang hơi ấm từ trái tim thắp sáng ước mơ cho trò, giúp nhiều học trò khắc phục những lầm lỗi của mình”, theo TS Tuấn.
Chính vì thế, cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt là hiệu trưởng, phải là tấm gương tốt cho học sinh noi theo, xây dựng được mối quan hệ tốt giữa thầy và trò một cách đúng mực, nghiêm túc, thân mật, giản dị và chân thành, làm cho học sinh thấy được cái hay, cái đẹp của người thầy. Từ đó, học sinh sẽ biết phát huy tính tích cực, tự giác trong học tập và rèn luyện.
Thúy Nga