Trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Tăng cường tiếp cận pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên nước tại 05 xã miền núi Huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ An” với sự tài trợ của Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF), Trung tâm Tư vấn pháp luật Đại học Vinh phối hợp với Uỷ ban nhân dân Huyện Thanh Chương tổ chức thành công chuỗi các hoạt động trong “Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước” cho người dân 05 xã miền núi: Hạnh Lâm, Ngọc Lâm, Thanh Thuỷ, Thanh Đức, Thanh Sơn.
Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện thông qua hai hoạt động chính: ngoại khoá – sân khấu hoá cho đối tượng học sinh khối 6,7,8 của 05 trường trung học cơ sở và 05 phiên toà giả định phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân 05 xã nơi địa bàn thực hiện dự án.
Tại các buổi phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, bên cạnh việc tổ chức các trò chơi, diễn kịch, tổ chức cuộc thi vẽ tranh, tổ chức phiên toà giả định, ban tổ chức lồng ghép các nội dung truyền thông pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước để trao đổi, giao lưu với các em học sinh, với người dân và thu về được những câu trả lời, những ý kiến trao đổi rất tâm huyết, đặc biệt có tới hơn 100 bức tranh của các em học sinh vẽ về các giải pháp nâng cao ý thức pháp luật trong bảo vệ môi trường nước.
Sau các buổi phổ biến giáo dục pháp luật, phần lớn người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước; nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong vấn đề bảo vệ tài nguyên nước; nhận thức được các hậu quả pháp lý đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.
Ông Khụt Văn Pít (xã Thanh Sơn) tham gia hoạt động PBGDPL thông qua Phiên toà giả định trao đổi: “Trước đây chỉ biết các hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tiền. Nay mới biết thêm, gây ô nhiễm môi trường còn có thể bị ngồi tù (phạt tù)”. Còn em Đinh Hà An (THCS Hạnh Lâm) tham gia hoạt động PBGDPL tại trường học chia sẻ: “Qua chương trình này, em nhận thức được vai trò của mỗi người dân trong bảo vệ tài nguyên nước. Trách nhiệm của mỗi học sinh trong việc tuyên truyền, phổ biến tới bạn bè, người thân về ý thức bảo vệ nguồn nước, không làm ô nhiễm nguồn nước như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, không vứt rác xuống sông suối…”.
Ông Vi Văn Pỏm (xã Thanh Sơn) tham gia hoạt động PBGDPL thông qua Phiên toà giả định chia sẻ: “Từ trước đến nay, tôi không nghĩ việc gia đình xả nước thải nuôi lợn chưa qua xử lý ra suối sau nhà là hành vi pháp luật cấm thực hiện. Nay thông qua chương trình này, tôi hiểu được, hành vi đó của gia đình là chưa đúng quy định. Gia đình sẽ tìm hiểu để thực hiện đúng với quy định của nhà nước”.
Ngoài ra, các buổi truyền thông phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước cũng được chính quyền địa phương sở tại ghi nhận về nội dung phổ biến gần gũi, dễ tiếp nhận, nhất là với một số xã phần lớn người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số; hình thức truyền thông đa dạng, có tác động rất lớn đến ý thức và trách nhiệm pháp luật của người dân.