Tôi làm giáo viên hợp đồng không thời hạn cho trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh từ tháng 9/2002, hệ số lương của tôi hiện nay là 3,99 và lương thực lĩnh là 10.833.000 đồng.
Nay tôi định xin nghỉ việc vì lý do gia đình thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao? Nếu nhận tiền bảo hiểm một lần thì sẽ được bao nhiêu?
Ảnh minh họa |
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp với mức như sau:
Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định
Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở, tức là 5 x 1,49 triệu đồng/tháng = 7,45 triệu đồng/tháng.
Thứ hai: Trợ cấp BHXH một lần được quy định như sau:
Ngoài ra, viên chức sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và không tiếp tục đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo Điều 19 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, công thức tính BHXH một lần như sau:
Mức hưởng = [1,5 x M(BQTL) x T(trước 2014) + 2 x M(BQTL) x T(từ 2014)].
Trong đó:
M(BQTL) là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
T(trước 2014): Là thời gian đóng BHXH trước năm 2014.
T(từ 2014): Là thời gian đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.
Lưu ý: Thời gian đóng BHXH từ 1 tháng đến 6 tháng được tính bằng ½ năm, từ 7 tháng đến 11 tháng sẽ tính tròn là 1 năm.
Bạn căn cứ những quy định trên để có thể tính trợ cấp cho mình.
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc
Thủ tục chuyển từ đất ao sang đất thổ cư
Tôi ở Ứng Hòa (Hà Nội). Đất nhà tôi muốn chuyển từ đất ao sang đất thổ cư thì tính phí như thế nào?