- Bài viết này đề cập đến một số điều cần biết về bệnh hen suyễn ở phụ nữ mang thai để đảm bảo sức khoẻ của bà mẹ lẫn em bé.
Hen suyễn là một tình trạng y khoa nghiêm trọng nói chung và ảnh hưởng đến khoảng 4-8% phụ nữ mang thai. Sự phổ biến và phát bệnh của hen suyễn hiện nay đang tăng, mặc dù tỷ lệ bệnh tật do hen suyễn giảm trong một vài năm gần đây.
Hen là bệnh lý phổ biến với nhiều thai phụ. Tuy vậy, việc chữa trị bệnh hen tốt sẽ làm cho người mẹ ổn định bệnh, thai kỳ bình thường và trẻ được sinh ra khỏe mạnh.
So với phụ nữ không bị hen, phụ nữ bị hen có khả năng bị một hoặc các biến chứng sau khi có thai: Cao huyết áp, sản giật, sinh non, sinh mổ, thai nhỏ so với tuổi thai. Tuy nhiên, đa số phụ nữ bị hen và thai nhi không bị bất kỳ biến chứng nào trong thời kỳ thai nghén nhờ kiểm soát tốt bệnh hen.
Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở thai phụ
Cơn hen phế quản, cả với người bình thường và phụ nữ có thai, thường được kiểm soát tốt và nhìn chung, bệnh nhân có thể “sống chung với lũ”. Nhưng trong một số tình huống đặc biệt, ví như khi gắng sức quá nhiều, cơn hen phế quản có thể bùng phát một cách dữ dội đột ngột gây nên suy hô hấp nguy kịch, thậm chí có thể gây đột tử.
Hen phế quản (HPQ) có lẽ là một trong những vấn đề nan giải nhất hay gặp ở phụ nữ có thai với tần suất mắc vào khoảng 4 – 8% số thai phụ. Tiên lượng HPQ ở thai phụ thường tốt đối với những thể nhẹ hoặc trung bình được kiểm soát chặt chẽ và điều trị đầy đủ. Đối với thể nặng hoặc đáp ứng điều trị kém, HPQ thường để lại nhiều hậu quả cho cả mẹ và con như tiền sản giật, sinh non, trẻ thiếu cân, thai nhi có dị tật, tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.
Cách điều trị hẹn trong thai kỳ
Chăm sóc thai phụ có bệnh hen cần có sự kết hợp giữa bác sĩ sản khoa và nội khoa. Việc chữa trị cần nhiều biện pháp phối hợp để đem lại hiệu quả cao nhất:
Theo dõi chức năng phổi của mẹ: Cần đo phế dung (dung tích phổi) để nhận ra hơi thở ngắn liên quan đến tình trạng nặng lên của bệnh hen.
Bệnh hen cũng được theo dõi tại nhà bằng cách dùng một dụng cụ đơn giản gọi là dụng cụ đo lưu lượng đỉnh để đánh giá độ hẹp của đường thở do bệnh hen. Đo hai lần/ngày, lần 1 vào lúc thức dậy, lần 2 cách 12 giờ. Nếu lưu lượng đỉnh giảm, nó báo hiệu bệnh hen đang trở nặng và cần điều trị tích cực hơn, thậm chí ngay cả khi thai phụ cảm thấy vẫn khỏe.
Tình trạng sức khỏe thai nhi: Thường xuyên theo dõi tình trạng thai nhi trong suốt thai kỳ như sự phát triển của thai, tim thai, sự vận động và dịch ối.
Giáo dục thai phụ: Thầy thuốc chỉ dẫn cho thai phụ biết các triệu chứng hen, sự trở nặng của bệnh, sự lên cơn hen, cách dùng thuốc đúng đắn.
Tránh các yếu tố gây bệnh: Tránh tiếp xúc với các dị nguyên có thể làm khởi phát bệnh hen như lông chó mèo, lông chim, bụi nhà, khói thuốc lá, mùi nước hoa đậm, những chất gây ô nhiễm môi trường.
Bao bọc nệm, gối bằng vỏ bọc đặc biệt để giảm tiếp xúc với mạt bụi. Tránh ngủ trên ghế nệm, trường kỷ. Không nên hút thuốc hoặc để khói thuốc lan tỏa khắp nhà.
Nếu dự định có thai vào mùa đông (mùa cúm) thì nên tiêm một mũi vắc-xin vào mùa thu.
Thuốc men: Thuốc chữa hen cho thai phụ tương tự thuốc được dùng để chữa ở những bệnh nhân khác. Nên dùng thuốc ở dạng hít vì có ít tác dụng phụ ở mẹ và thai nhi. Cũng cần chỉnh liều hoặc loại thuốc trong suốt thai kỳ để bù vào những thay đổi về chuyển hóa ở thai phụ và những thay đổi về mức độ nặng của bệnh hen. Điều quan trọng là cân nhắc nguy cơ (rất ít) của thuốc chữa hen so với nguy cơ trầm trọng của bệnh hen không được chữa trị thấu đáo. Những cơn hen nặng làm giảm cung cấp ôxy cho thai nhi dẫn đến nhiều biến chứng như thai chết lưu.
Nguyễn Thu Hiền