Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu về tình trạng sâu răng ở trẻ em Việt Nam công bố năm 2019 trên hơn 4.000 trẻ em cho thấy ở nhóm 6-8 tuổi, tỷ lệ sâu răng sữa là 86,4%, tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn là 20,9%, trung bình mỗi trẻ có 6,21 răng bị sâu, tỷ lệ răng được điều trị thấp.

Theo khảo sát, tỷ lệ học sinh bị mắc bệnh răng miệng rất lớn điển hình nhất là bị sâu răng và viêm lợi

Bệnh răng miệng ở lứa tuổi đi học (nhất là các bé học cấp 1) là do ăn uống và vệ sinh không đúng cách khiến vi khuẩn ăn mòn răng và viêm nhiễm lợi, thậm chí một số em học sinh còn bị sún, gây mất thẩm mỹ và quá trình ăn uống sau này.

Thực tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và các điều tra dịch tễ ngành nha khoa, không ít học sinh dưới 7 tuổi bị sâu toàn bộ cả hai hàm, sâu vỡ lớn chỉ còn các chân răng trong miệng. Với các học sinh trên 7 tuổi đã có răng vĩnh viễn, nhiều trẻ có răng hàm lớn thứ nhất đã bị sâu vỡ lớn.

Bệnh sâu răng còn gây nhức răng, ảnh hưởng đến dây thần kinh vùng miệng và tủy răng, có nguy cơ khiến răng bị hỏng hoàn toàn, buộc phải nhổ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Ngoài ra sâu răng còn có tính lây lan sang các răng bên cạnh và ảnh hưởng lâu dài về sau.

W-hocsinhvnn35rangmieng.png
Khám sức khỏe răng miệng cho học sinh ở Bắc Kạn. Ảnh minh họa

Với bệnh viêm lợi, bác sĩ chuyên khoa II Lê Bảo Trâm, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đây bệnh thường gặp nhất trong các bệnh nha chu (trên 80% dân số) và có thể xảy ra ở bất kỳ người nào, bất kỳ độ tuổi nào. Viêm lợi là tình trạng viêm chỉ khu trú ở mô nha chu bề mặt bao gồm lớp biểu mô bên ngoài và lớp mô liên kết kế cận.  

Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn ở mảng bám răng lợi thường là các loại cầu khuẩn và trực khuẩn, vi khuẩn sợi, do virus, do sang chấn và các tác nhân lý học và hóa học, do mọc răng, do sâu răng không được chữa.

Triệu chứng của viêm lợi gồm hôi miệng; đau vùng lợi khi chải răng; chảy máu lợi khi xỉa răng, đánh răng, mút chíp hoặc chảy máu tự nhiên.

Triệu chứng thực thể bao gồm lợi đỏ nhẹ hay đỏ rực; lợi tự do sưng nề cả mặt trong và mặt ngoài, có thể có túi lợi giả; lợi nề kém săn chắc; chảy máu lợi khi thăm khám hoặc chảy máu tự nhiên; cao răng, mảng bám; khám thấy các bất thường về cung răng, khớp cắn, miếng trám và các nguyên nhân khác.

Cách phòng tránh bệnh răng miệng ở lứa tuổi học đường

- Đánh răng sau ăn 1 giờ, chọn thuốc đánh răng không chứa thành phần kích thích, phù hợp với trẻ nhỏ. Chải răng đúng kỹ thuật. Không nên xỉa răng bằng tăm tre, thay vào đó dùng chỉ nha khoa, tăm nước.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng sức đề kháng. Hạn chế cho trẻ em ăn nhiều đồ ngọt như bánh, kẹo. Không ăn đồ ngọt trước khi đi ngủ.

- Khám định kỳ 6 tháng/1 lần để kịp thời phát hiện các tổn thương và loại trừ cao răng mảng bám. 

Các bệnh răng miệng là một trong những bệnh thường gặp trong lứa tuổi học đường. Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học là: 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV