Từ những rung động bất thường

Ngày 10/9, sau khi cơn bão số 3 Yagi tràn vào một số tỉnh, thành phố miền Bắc nước ta, cơn lũ đất đá đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, để lại những đau thương mất mát không kể xiết cho người dân nơi đây.

Trước thực tế thiên tai ngày càng khắc nghiệt, dị thường đó, ngày 2/10, Bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức seminar khoa học "Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh", với sự tham dự của nhiều chuyên gia địa chất sau chuyến thực địa tại Làng Nủ trở về.

TS. Ngô Văn Liêm, Trưởng bộ môn Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, lũ bùn đá (debris flow), loại lũ này thường xảy ra trong những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày tại các lưu vực suối ở vùng núi, nơi có địa hình dốc, vỏ phong hóa/tầng đất dày.

lang nu bi lu quet.jpg
 Ngày 10/9, lũ quét tràn về thôn Làng Nủ biến nơi đây trở thành bình địa

Theo mô tả của bà con được truyền thông ghi lại, trước khi lũ kèm đất đá ập xuống, có tiếng nổ to. Trước đó có người thấy đá lục cục từ sườn cao rơi xuống, nhưng kể cả khi thấy đá rơi thì không phải ai cũng kịp thoát khỏi dòng lũ đất đá ập xuống sau đó. Vậy, cách phòng tránh thảm họa lũ đất đá như thế nào?

TS. cho biết, hiện có khá nhiều thông tin về những tiếng nổ và tiếng di chuyển lục cục của đất đá trong dòng lũ bùn đá. Có thể thấy điểm chung là có hai tiếng nổ lớn. Với kiến thức chuyên môn, có thể nhận định tiếng nổ thứ nhất là do khối trượt lở đất, đá lớn ở phía gần đỉnh của khối núi Con Voi (nơi xuất phát của dòng bùn đá, khối trượt lở 1).

Tiếng nổ thứ hai là sự phá vỡ một đập chắn tạm thời được hình thành ở đoạn thắt gần cuối thung lũng (cách Làng Nủ 400-500m). Đập chắn này được hình thành do nguồn vật chất từ các khối trượt lở trên sườn thung lũng (khối trượt lở 2) cùng các vật liệu do dòng chảy suối mang đến. Đập chắn này có thể được hình thành không lâu trước đó, hoặc có thể chỉ ngay sau khi khối trượt lở ở phía trên đỉnh xảy ra đã kích thích gây ra khối trượt lở 2).

Cách nào để tránh thảm họa như Làng Nủ?- Ảnh 3.

Ảnh vệ tinh Sentinel 2 (ngày 19/9/2024) thể hiện dòng lũ bùn đá và các khối trượt lở đất gây thảm họa ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai (ngày 10/9/2024)

Với chiều dài lưu vực không lớn (khoảng 3km), nhưng đây là khu vực có độ dốc lớn nên vận tốc dòng bùn đá là rất lớn, vì vậy rất khó có biện pháp cảnh báo tức thời đạt hiệu quả tốt, đặc biệt lũ lại thường xảy ra vào buổi đêm đến gần sáng nên rất khó phát hiện để cảnh báo sớm.

"Theo tôi, cách phòng tránh tốt nhất là tránh xây dựng các khu dân cư ở phía dưới các cửa suối hoặc/và các trũng/thung lũng giữa núi. Đây thường là các bề mặt nón tích tụ lũ tích cổ (proluvial fan) hay nói cách khác, đó chính là sản phẩm tích đọng của các trận lũ trong những giai đoạn trước đây. Lũ xảy ra có tính chu kỳ và sẽ lặp lại nên cần tránh xây dựng các công trình trên các khu vực này. Còn trong trường hợp không có sự lựa chọn nào khác tốt hơn, vẫn phải sống ở các khu vực như nói ở trên, khi có dự báo mưa to, đặc biệt là mưa to liên tục nhiều ngày thì việc tìm chỗ tránh trú trước là biện pháp khả thi và tốt nhất có thể", TS Liêm chia sẻ.

Qua đây, TS. Liêm lưu ý một số dấu hiệu (có thể có) "trước" khi lũ quét – lũ bùn đá xảy đến như: có tiếng nổ lớn xuất phát từ phía trên của con suối kèm theo tiếng ầm ầm, mặt đất có những rung động bất thường, có mưa lớn nhưng dòng nước suối lại giảm đi đột ngột hoặc không tăng đáng kể so với lúc trước khi mưa và nước trở nên đục ngầu, mang theo nhiều bùn đất và các mảnh vụn, xuất hiện các vết nứt trên mặt đất, trên tường, trần nhà…

Thấy những dấu hiệu bất thường như trên thì người dân phải khẩn trương thông báo với những người xung quanh và tìm chỗ tránh trú ở những vị trí trên cao và phía xa khu vực dòng chảy suối (theo phương vuông góc với dòng chảy suối).

Dấu hiệu đầu tiên của sạt lở đất 

TS. Ngô Văn Liêm cho biết, thường những vết nứt trên đồi, núi chính là một "chỉ dấu" quan trọng về việc sắp có sạt lở. Còn vết nứt ở mức độ nào cần di dời thì phải có những nghiên cứu đánh giá cụ thể tùy điều kiện địa chất, địa hình và nhiều điều kiện khác của khu vực đó.

Nếu các hộ dân sống ở khu vực dưới chân các đồi, núi, đặc biệt là các hộ cắt xẻ phần chân sườn các đồi, núi (nơi có lớp vỏ phong hóa/đất dày) để xây dựng nhà cửa thì khi phát hiện các vết nứt trên đồi cỡ một vài mét là phải xem xét di dời; đặc biệt vào những ngày mưa lớn, kéo dài, nhiều khi không phát hiện vết nứt trước đó cũng nên chú ý di dời bởi vết nứt có thể hình thành và gây trượt lở trong thời gian rất ngắn.

TS. Liêm đánh giá, từ giờ đến cuối năm, khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ là vùng có nguy cơ cao hơn so với khu vực phía Bắc, vì theo đặc trưng khí hậu nước ta thì bão và áp thấp nhiệt đới càng về cuối năm sẽ dịch chuyển dần về phía Nam. Vì vậy, những tháng cuối năm cần đặc biệt chú ý đến nguy cơ trượt lở đất và lũ quét - lũ bùn đá ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo TS. Liêm, để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mỗi người dân phải cùng chung tay bảo vệ môi trường xung quanh. Nên bắt đầu từ những việc nhỏ hàng ngày: tiết kiệm năng lượng (tắt đèn và thiết bị điện khi không cần thiết, sử dụng năng lượng tái tạo, rút phích cắm khỏi ổ điện sau khi sử dụng…); giảm thiểu rác thải (sử dụng đồ có thể tái chế, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, phân loại và để rác đúng nơi quy định,…); trồng nhiều cây xanh; tiết kiệm nước; sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tăng cường vận động bằng việc đi xe đạp hoặc đi bộ,…

Bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống của mình, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giảm thiểu và hạn chế những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng có nghĩa là giúp hạn chế và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.