Tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước, lộ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tiếp tục được phát hiện tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều hệ thống thông tin bộc lộ nhiều lỗ hổng trong cơ chế bảo mật, không được đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng lộ lọt bí mật nhà nước, mất thông tin, dữ liệu tiếp tục lan rộng, đáng báo động.
Đặc biệt, ngày 24/3/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện tài khoản “vow” (thuộc trang mạng raidforums.com) rao bán gói dữ liệu chứa thông tin khoảng 41 triệu người dùng Việt Nam. Thông tin chủ yếu là dữ liệu công khai (không có mật khẩu) trên tài khoản. Khi người dùng đăng ký tham gia Facebook, ai cũng có thể tìm và xem thông tin nên không phải bị rò rỉ từ Facebook. Dữ liệu này thường được thu thập và sử dụng cho mục đích quảng cáo. Raidforums từng nhiều lần chia sẻ các tài liệu nhạy cảm của nhiều công ty, dịch vụ trực tuyến như thông tin của 2 triệu khách hàng từ một ngân hàng Việt Nam, 160 triệu tài khoản Zing ID, 31.000 giao dịch thẻ ngân hàng và hơn 5 triệu email được cho là của khách hàng Thế Giới Di Động...
Việt Nam đã và đang phải đối phó với những nguy cơ, hiểm họa khôn lường từ không gian mạng, trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Việt Nam đã và đang phải đối phó với những nguy cơ, hiểm họa khôn lường từ không gian mạng. (Ảnh minh họa: Internet) |
Đáng chú ý là tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương. Theo đó, tình trạng sàn thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật gia tăng; hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc ngày càng tinh vi, quy mô lớn; việc trao đổi, chia sẻ phương thức, thủ đoạn trộm cắp, trao đổi, mua bán, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng phổ biến trên các diễn đàn tội phạm mạng.Thông tin sai sự thật, tin giả, tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận xuất hiện “tràn lan” trên không gian mạng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và uy tín của các cơ quan, tổ chức. Các thế lực thù địch, phản động và đối tượng chống đối gia tăng hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phát tán thông tin xấu, độc, chống Đảng, Nhà nước; lợi dụng dịch Covid-19 tung tin sai sự thật.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho hay, thách thức an ninh mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia. Microsoft cũng chia sẻ về cách tiếp cận cũng như những giải pháp bảo mật mới trong bối cảnh người dùng và doanh nghiệp ngày càng sử dụng nhiều ứng dụng trên di động, giải pháp điện toán đám mây và ứng dụng thuê ngoài. Nổi bật trong số này là những giải pháp bảo mật thế hệ mới được xây dựng trên nền điện toán đám mây, liên tục tổng hợp và khai thác dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau và ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để rút ngắn thời gian phân tích các hành vi bất thường và tự động hóa cao trong việc thực thi các phản ứng đáp trả nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có nguy cơ hay sự cố bảo mật...
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng khuyến nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các giải pháp công nghệ phù hợp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, củng cố khả năng phòng, chống tấn công mạng; nâng cao ý thức cảnh giác về bảo mật thông tin, dữ liệu cho toàn thể cán bộ, nhân viên. Các tổ chức cần xây dựng và triển khai chiến lược bảo đảm an ninh, an toàn thông tin một cách bài bản; xây dựng và triển khai các quy định, chính sách bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng cụ thể, đúng quy định; chủ động rà soát và kiểm soát chặt chẽ việc cài đặt trang thiết bị, sử dụng phần mềm hợp pháp có bản quyền...
Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 cũng xác định rõ quan điểm: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.
Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng (GCI) do Liên minh Viễn thông thế giới đánh giá và có tên trong nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số này vào năm 2030.
Đ.P
VNPT phải dẫn dắt chuyển đổi số và an toàn trên không gian mạng
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2021 của VNPT (sáng 16/12), Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định VNPT phải đảm nhận vai trò lịch sử dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo cho sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.