Bà Mộng Điệp (bìa trái) và bà Nam Phương (bìa phải)

Đây cũng là thời điểm bà Nam Phương đang sống lẻ loi ở Pháp được 4 năm cùng các con, còn Bảo Đại chung sống với bà Mộng Điệp ở Đà Lạt (sau lên Buôn Ma Thuột). Cũng trong thời gian này, cựu hoàng còn đi lại với cả bà Lê Thị Phi Ánh.

Người phụ nữ lấy được lòng Đức Từ Cung

Theo cuốn Bảo Đại vị vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, sau khi ra Hà Nội làm cố vấn vào tháng 9/1945, cựu hoàng đã có quan hệ với bà Mộng Điệp - người đàn bà đã có một đời chồng.

Hai người sống với nhau theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Bà Mộng Điệp đã sinh cho cựu hoàng một cô con gái đặt tên là Phương Thảo (năm 1946).

Trong thời gian Bảo Đại lưu vong ở Hong Kong, bà Mộng Điệp ở Hà Nội bị Pháp bắt và nhờ sự can thiệp của cựu hoàng, bà mới được tha. 

Năm 1949, Bảo Đại được Pháp đưa trở lại Việt Nam (và cho lên Đà Lạt). Khi về tới Đà Lạt, cựu hoàng đã đón Mộng Điệp về chung sống.

Tuy nhiên, để tránh tiếng và cũng sợ bà Nam Phương buồn, Bảo Đại đã ra lệnh sửa sang lại dinh Công sứ ở Buôn Ma Thuột, để làm chỗ hàng tuần về nghỉ ngơi săn bắn và đánh quần vợt với Mộng Điệp.

Mộng Điệp khéo léo nên đã lấy được lòng bà Từ Cung ở Huế và được bà Từ Cung ban cho một ngôi chùa ở Đắk Lắk. Ngôi chùa này mang tên là chùa Khải Đoan. 

Bà Mộng Điệp còn được ông Tôn Thất Hối (là con cụ Tôn Thất Hân, nhiếp chính triều đình thời Bảo Đại còn du học bên Pháp) lo xây cất một biệt điện nhỏ để Mộng Điệp ở hồ Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 50km. Mộng Điệp ở nơi đèo heo hút gió này không sợ bà Nam Phương ghen tuông hay người ngoài dị nghị.

Cũng theo Lý Nhân Phan Thứ Lang, Mộng Điệp là một người phụ nữ đẹp lại khéo ăn khéo nói, nên đã lấy lòng được bà Từ Cung, như việc thờ cúng tiên đế Mộng Điệp đều lo chu toàn. Bà Từ Cung thấy Mộng Điệp có thể trở thành thứ phi của Bảo Đại nên đã ban áo mũ cho Mộng Điệp để tế lễ.

Mộng Điệp cũng rất thích săn bắn. Bà cưỡi voi, cưỡi ngựa và bắn súng rất thành thạo. Những lúc cựu hoàng vào rừng săn thú, Mộng Điệp đều đi theo để nâng khăn sửa túi. 

Chung sống với Bảo Đại, Mộng Điệp đã sinh thêm cho cựu hoàng hai người con trai là Bảo Hoàng (1954) và Bảo Sơn (1955).

Theo cuốn sách về Bảo Đại của Daniel Grandclément, trong thời gian ở Đà Lạt, cựu hoàng còn có quan hệ với bà Phi Ánh, một thiếu nữ con nhà lành, giàu có và có nguồn gốc danh giá. 

Bảo Đại cũng rất yêu Phi Ánh. Ông mua cho bà một biệt thự và có với bà 2 người con, con gái là Phương Minh, con trai là Bảo Ân.

Suốt thời gian ở Đà Lạt, Phi Ánh rất được Bảo Đại ưu ái. Nhưng khác với Mộng Điệp, bà không dự những buổi tiếp tân, không gần gũi với bà Từ Cung, không lên Buôn Ma Thuột để cùng đi săn thú như bà Mộng Điệp.

namphuong2.jpg

Bà Nam Phương và một bức thư gửi cho cựu hoàng Bảo Đại

"Em là mẹ của Thái tử kế nghiệp"

Dù ở tận nước Pháp, nhưng bà Nam Phương vẫn biết về những mối quan hệ của chồng. Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, bà Nam Phương là người có đạo đức nên dù thấy việc ông chồng có tính hảo ngọt, mê sắc dục thì bà cũng im lặng.

Thực ra, bà Nam Phương không im lặng mà cư xử rất ý nhị. Trong lá thư tay gửi cựu hoàng Bảo Đại vào ngày 15/8/1951 (Tư liệu này mới được tác giả Phạm Hy Tùng công bố trong sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố) bà đã nhắc khéo cựu hoàng về danh vị và vị thế của mình:

Mẫu hậu vừa viết gửi cho em một lá thư trách mắng em về tội công bố trích ngang tờ giấy kết hôn và những tờ khai sinh của các con và nói em phải hiểu rằng ‘cuộc hôn nhân của vua chúa không phải như thường dân, chỉ cần khai báo trong hoàng tộc là đủ rồi’, và rằng ‘em là một hoàng hậu và đã sinh ra một thái tử nối dõi tông đường’.

Mẫu hậu nói như thế là không hợp thời. Em thấy cần phải nói thẳng với Mình là, em muốn có một bản trích lục từ sổ sách của Tôn nhân phủ xác nhận ngày chúng ta kết hôn, trên văn bản đặc biệt này có chữ ký và dấu đóng của Chủ tịch Hội đồng Tôn phủ và của Khâm sứ Trung Kỳ hẳn nhiên là có giá trị hơn là những giấy tờ bình thường cấp cho kẻ đã chết. […]

Sự nóng giận của Thái hậu, trái lại đã khiến em không nhịn được cười và qua việc này em càng biết ơn Thái hậu vì nói như vậy là Thái hậu mặc nhiên công nhận em là một nữ hoàng có uy quyền, em là mẹ của Thái tử kế nghiệp và là Đệ nhất phu nhân hợp pháp của mình. Đó là một văn bản thừa nhận danh vị của em trong hoàng tộc sau bao nhiêu năm nói úp úp mở mở không rõ ràng”.

Có thể thấy, trong đoạn thư trên bà Nam Phương không hề nhắc đến cái tên Mộng Điệp hay Phi Yến - những người phụ nữ đã chen chân vào đời sống vợ chồng của bà và cựu hoàng. Bà cũng không có lời lẽ nào trách cứ chồng mình.

Bà chỉ mượn câu chuyện giữa bà và thân mẫu Bảo Đại để khẳng định danh vị và vị thế của mình. Với cách hành xử rất có chừng mực này chúng ta thấy phần nào dáng dấp và đẳng cấp của bà.

Theo Znews