Theo hãng tin Reuters, Mỹ sẽ sử dụng máy bay quân sự để thả hàng tiếp tế xuống Dải Gaza. Dù chưa rõ loại máy bay nào sẽ được sử dụng, nhưng vận tải cơ C-17 và C-130 được cho là phù hợp nhất. Theo Không quân Mỹ, một chiếc C-130 có thể chở được 16 khối hàng hóa tiêu chuẩn (pallet), và một chiếc C-17 có thể chở 40 pallet.
Các binh sĩ Mỹ sẽ chất hàng hóa lên các pallet, và sau đó đưa lên máy bay và khóa cố định lại. Khi máy bay bay qua khu vực cần cung cấp vật tư, khóa cố định sẽ được mở và pallet lao xuống mặt đất với sự trợ giúp của chiếc dù gắn phía trên.
Dù quân đội có thể xem trước thông tin về thời tiết trong khu vực định thả hàng cứu trợ, nhưng sức gió vẫn đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo hàng hóa có thể hạ cánh đúng nơi hay không. Nhiều video trên mạng xã hội cho thấy, một số hàng viện trợ do các quốc gia khác cung cấp cho người dân ở Dải Gaza đã bị trôi ra biển.
Nhiều quan chức cho biết sẽ khó đảm bảo hàng viện trợ đến được tay người cần, mà không bị thả xuống những nơi không thể tiếp cận được. Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, từng nhận định “rất khó để thực hiện thả hàng hóa ở một vùng đất đông đúc như Dải Gaza”.
Các quan chức Mỹ cho rằng không có sự hiện diện của quân đội Mỹ trên mặt đất sẽ không có gì đảm bảo hàng viện trợ không bị rơi vào tay nhóm vũ trang Hamas.
Hàng năm vào dịp Giáng sinh, quân đội Mỹ đã thả viện trợ nhân đạo đến các hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương. Hay vào năm 2014, quân đội Mỹ cũng đã thả viện trợ xuống miền bắc Iraq, giữa lúc dân thường bị các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bao vây.
Hôm 1/3, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ cũng đang xem xét khả năng thiết lập một hành lang hàng hải để chuyển một lượng lớn hàng viện trợ vào Dải Gaza.
Một quan chức Mỹ cho hay lựa chọn khả thi là vận chuyển viện trợ bằng đường biển từ đảo Síp, cách bờ biển Địa Trung Hải của Dải Gaza khoảng 210 hải lý. Vị quan chức nói thêm, hiện chưa có quyết định nào về việc điều quân đội Mỹ tham gia hoạt động này.