Liều lĩnh xuất khẩu từ con số 0
“Tháng 12/2013, hai vợ chồng tôi quyết định thành lập công ty. Hồi đấy không có gì nhiều, được cái liều lĩnh”, chị Nguyễn Xuân Hải Yến, Đồng sáng lập, Phó Giám đốc Công ty Proline Việt Nam (Công ty Proline) hóm hỉnh kể.
Từ 2013-2016, Proline chuyên nhập khẩu hàng hóa về bán, khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam.
Nhận thấy nhiều doanh nghiệp Hàn thích làm việc với các nhà sản xuất Việt, cặp vợ chồng trẻ mày mò, sắm sửa máy móc để chuyển hướng sang sản xuất và cũng nghĩ ngay tới chuyện xuất khẩu.
Năm 2016, vỏn vẹn trong tay một sản phẩm duy nhất là bao bì chống tĩnh điện (dùng để bọc linh kiện điện tử, điện thoại), hai sếp Proline hăm hở xuất khẩu. Cứ nghĩ ra nước ngoài đơn hàng sẽ nhiều, nhưng “đời thực không như là mơ”. Chờ mãi cả hai chẳng chốt được đơn bao bì chống tĩnh điện nào, khách hàng toàn hỏi sản phẩm Proline không sản xuất.
Hầu hết tiền dồn để mua máy móc, nguyên vật liệu, vốn lưu động,... không thể tham gia hội chợ ở nước ngoài theo cách thức xuất khẩu truyền thống, cũng không đủ tiền chạy quảng cáo Google Ads, vợ chồng trẻ này chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ”: Đầu tư khoảng 40 triệu đồng/năm mua gói cơ bản nhất để lập gian hàng trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com.
“Đến giờ tôi vẫn thấy đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Trước khi trở thành một nhà xuất khẩu trên Alibaba.com, tôi cũng từng tìm nguồn hàng nhập khẩu trên sàn này. Các doanh nghiệp bán hàng trên sàn đều đã được xác minh, tránh nguy cơ công ty 'ma', giúp người mua hàng yên tâm hơn. Nhân viên đại lý của Alibaba tại Việt Nam rất nhiệt tình 'cầm tay chỉ việc' cho người mới lập gian hàng, sẵn sàng hỗ trợ khi cần”, chị Yến nhớ lại.
Đăng ký xong gian hàng, chị Yến mang bầu em bé thứ hai, chuyển giao hết việc cho chồng.
Cuối năm 2017, quay lại công việc, chị tá hỏa khi thấy chồng vì quá bận lo sản xuất, chỉ đều đặn nộp tiền duy trì tài khoản chứ không đăng bài, dẫn tới không có đơn hàng nào từ Alibaba.com.
Dồn tâm sức hồi sinh gian hàng Proline, chị Yến nghĩ đơn giản: “Đăng bài có gì khó. Cứ chụp ảnh sản phẩm rồi đưa lên là xong”.
Mải miết mấy tuần trời, ngày nào chị cũng chỉ có mỗi việc ăn rồi đăng bài lên gian hàng trên Alibaba. Nhưng vị trí tốt nhất sản phẩm Proline có được vẫn lùi vào tận trang thứ 20, không mấy khách hàng đủ kiên nhẫn mò vào tận đấy để tìm hàng.
Than thở với nhân viên đại lý Alibaba, chị mới vỡ lẽ: Muốn lên Top để nhiều người nhìn thấy sản phẩm thì phải biết cách chụp ảnh, thiết kế gian hàng, chọn từ khóa, tạo nội dung,... Chẳng hạn, ảnh phải chụp trên nền trắng chứ không nên để nền xám, kích cỡ phải theo đúng chuẩn của Alibaba.com... Chị lại cắp sách vở đi học từ những điều cơ bản nhất.
Có học có hơn. Chỉ trong khoảng một tháng kể từ khi đăng bài đúng cách, Proline chốt được đơn hàng đi Mỹ giá trị 1.750 USD.
“Giá trị vật chất đơn hàng đầu tiên trị giá 1.750 USD không phải quá lớn, nhưng giá trị tinh thần vô cùng lớn vì đem lại cho tôi niềm hy vọng. Hồi đấy chỉ nghĩ hàng của mình xuất đi được Lào, Campuchia, cùng lắm là Thái Lan, không ngờ sang hẳn Mỹ”, chị Yến không bao giờ quên “liều doping” giúp chị vững tâm bước tiếp trên con đường xuất khẩu.
Kiên trì theo đuổi khách hàng khó tính
Những năm kế tiếp, Proline xuất khẩu đều đều khoảng 1-3 đơn hàng/tháng, toàn hàng lẻ, không đầy 1 container; đơn hàng lớn nhất cũng chỉ 15-17 khối xuất sang Malaysia.
“Nhiều đơn hàng lớn, chúng tôi không dám nhận bởi lo ngại không đảm bảo được tiêu chuẩn của khách hàng. Bị trả về cả lô hàng thì không biết phải làm thế nào”, chị Yến bộc bạch.
Đồ thị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt bắt đầu bật lên từ năm 2021. Nguyên nhân khách quan là thời kỳ Covid-19, Trung Quốc có một giai đoạn đóng cửa, rồi sau đó xung đột Nga - Ukraine cùng một số biến động kinh tế - chính trị thế giới khiến rất nhiều doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ và châu Á chuyển hướng từ mua hàng Trung Quốc sang tìm mua hàng Việt.
Đặc biệt, Proline đã chiếm được lòng tin của một doanh nghiệp lớn Nhật Bản sau 2 năm kiên trì theo đuổi khách hàng khó tính này.
“Họ khó tính kinh khủng. Chúng tôi làm mẫu không dưới 5 lần, cứ không đạt yêu cầu lại xin lỗi khách hàng, đề nghị cho cơ hội làm lại. Có lần, họ đổ chất lỏng vào trong sản phẩm bao bì của chúng tôi rồi lại đổ ra, dùng máy đếm xem có bao nhiêu hạt bụi. Họ bảo có 50 hạt bụi trong khi chỉ chấp nhận 47 hạt bụi thôi. Hoặc họ cho hàng vào rồi ném từ tầng 3 xuống để đảm bảo độ bền chắc khi vận chuyển hàng bằng máy bay.
Test (kiểm tra) ở Nhật xong, họ còn gửi mẫu đợt 2 cho các nhà máy ở Thái Lan, Việt Nam (Bình Dương),... dùng thử. Họ có những yêu cầu rất lạ. Được cái mình kiên trì, không bỏ cuộc. Chinh phục được ông khách khó tính này thì không sợ ông nào khác nữa”, chị Yến ví von.
Một thông tin khá thú vị được phó giám đốc Proline bật mí: “Cứ lần nào gặp khách hàng Ấn Độ hoặc trưởng phòng mua là người Ấn Độ, mình phải chuẩn bị cả chiến lược tâm lý. Rất nhiều tập đoàn lớn quốc tế tuyển trưởng phòng/giám đốc mua hàng là người Ấn Độ vì họ có khả năng mặc cả rất ghê. Nhưng nếu thiết lập được mối quan hệ được với họ thì lượng hàng rất tốt”.
Từ đơn hàng đầu tiên trị giá 1.750 USD, đến nay, Proline đã xuất khẩu sang hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ; có khách hàng lớn đều đặn đặt hàng khoảng 100.000 USD/tháng. Proline đã và đang là nhà cung cấp của Samsung, LG, ABB,... cùng nhiều nhà máy sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử khác trên thế giới. Doanh số xuất khẩu chiếm 75% tổng doanh thu.
Từ chỗ chỉ mang duy nhất một sản phẩm xuất ngoại, giờ Proline chào hàng cả giải pháp bao bì tổng thể, gồm túi chân không, túi zipper, túi nhôm, túi đựng thực phẩm, túi niêm phong, túi mua sắm, túi đựng thức ăn cho thú cưng...
Trước kia, Proline chỉ bán những gì mình sản xuất ra, giờ đã phát triển lên mức không chỉ bán những gì mình sản xuất ra mà còn có thể làm OEM (bán những sản phẩm mình thiết kế cho khách hàng) và ODM (phát triển thiết kế theo yêu cầu của khách hàng).
Từ công ty “hai vợ chồng không nhân viên”, giờ Proline đã có đội ngũ vận hành với các bộ phận marketing, sale...
Sau 5 năm xuất khẩu, doanh thu của Proline tăng gấp 3 lần. Năm 2023, Mỹ và Vương quốc Anh trở thành hai thị trường chính của doanh nghiệp này.
“Quy mô của công ty chúng tôi vẫn còn bé, trong khi khách nước ngoài yêu cầu về mặt thời gian giao hàng rất nhanh. Một số khách yêu cầu nhận hàng trước ngày nghỉ lễ 24/12. Chúng tôi đang lo lắm, bởi thời gian vận chuyển sang đấy khá lâu, chưa kể những biến cố có thể xảy ra. Có thời điểm, do chiến tranh trên Biển Đỏ, cước vận chuyển từ 2.500USD tăng vọt lên 7.000 USD/container”, chị Yến tâm tư.
Làm thương mại điện tử phải học cách ứng dụng AI
15 năm hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu, Phó Giám đốc Proline Nguyễn Xuân Hải Yến dự đoán tình hình xuất khẩu bán buôn qua kênh thương mại điện tử giai đoạn 2023-2032: Về địa lý, 4 khu vực phát triển mạnh nhất là Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương. Quy mô thị trường từ hơn 21.500 tỷ USD năm 2022 sẽ tăng lên hơn 166.300 tỷ USD vào năm 2032, tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 22,5%.
Theo chị Yến, doanh nghiệp Việt không nên đứng ngoài xu thế này. Cần xác định sản phẩm lõi bám sát xu thế thị trường khi đem ra thị trường quốc tế. Nếu hướng đến thị trường chất lượng cao thì phải xác định đáp ứng luôn những yêu cầu rất cao.
"Gần đây, khi chúng tôi xuất hàng sang Mỹ và Vương quốc Anh, khách có xu hướng hỏi: 'Sản phẩm chứa bao nhiêu % nguyên liệu tái chế?', bởi nếu có chứng nhận 30% tái chế thì thuế của họ 0%. Những thứ liên quan xu thế thị trường như sản xuất xanh thì phải để mắt tới. Bây giờ mình có thể chưa làm được nhưng sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai”, chị Yến lưu ý.
Chị Yến cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử rất cần có lòng tin. Hãy cố gắng tạo sự tin cậy, để khách hàng “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Không nên “phông bạt, làm màu”, chỉ cần lộ ra một chi tiết giả khi đăng hình ảnh giới thiệu sản phẩm cũng có thể làm mất lòng tin ngay.
Đặc biệt, doanh nghiệp làm thương mại điện tử phải học hỏi cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) từ nghiên cứu thị trường tới sản xuất, bán hàng...
Trước kia, Phó Giám đốc Proline cũng chỉ coi AI là công cụ giải trí. Cho đến khi các doanh nghiệp Trung Quốc sang chia sẻ những hình ảnh thiết kế rất đẹp, chị tìm hiểu mới phát hiện toàn bộ hình ảnh, thiết kế đó đều nhờ AI.
“Thị trường xuất khẩu rất lớn nhưng cũng rất cạnh tranh. Làm thương mại điện tử là cả quá trình tích lũy. Có thể ban đầu, khi đang gieo mầm, không thể nào nhìn thấy kết quả ngay. Quan trọng nhất là chủ doanh nghiệp phải có tinh thần bền bỉ. Có những lúc tôi từng tự hỏi mình có nên đi tiếp hay không. Bây giờ thầm cảm ơn mình vì lúc đó đã không dừng lại”, chị Yến chia sẻ.
Phạm Minh