Nhiều cơ hội, lắm thách thức!
Mới đây, Cộng đồng Mở IoT Việt Nam (IOCV - IoT Open Community for Vietnam) hiện có 21 đơn vị, công ty thành viên đã được thành lập, với sứ mệnh “tập hợp nguồn lực xã hội trong việc phát triển IoT mở, chia sẻ tự do, miễn phí cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động trên toàn cầu”.
Đây là một động thái của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đối tác là Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Câu lạc bộ Phầm mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) triển khai nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thích nghi, phát triển cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Khẳng định tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các doanh nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng: “Việc ra mắt Cộng đồng Mở IoT Việt Nam mở ra một cách làm hoàn toàn mới cho việc phát triển CNTT, tạo nên một làn sóng mạnh mẽ với sự đóng góp của cộng động CNTT nói chung và các doanh nghiệp CNTT nói riêng trong công cuộc phát triển đất nước”.
Chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện ra mắt Cộng đồng IOCV, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI-ITB) - đơn vị đứng ra kêu gọi thành lập và là đầu mối chung của Cộng đồng IOCV cho rằng, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xuất phát từ nhu cầu, sự đòi hỏi ngày càng cao của “khách hàng” trong thời đại Internet, dẫn tới các tập đoàn, doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu đang tích cực đầu tư nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để đáp ứng các nhu cầu, đòi hỏi đó. “Thậm chí, nhiều người còn dự đoán rằng trong tương lai, các ngành sản xuất, dịch vụ không kết nối Internet sẽ bị loại bỏ”, ông Lợi chia sẻ.
Người đứng đầu Viện Tin học Doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với động lực là IoT, đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới. Trong bản đồ đó, các quốc gia phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẽ bị tụt lại phía sau và thế giới sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các quốc gia chú trọng vào việc phát triển kinh tế tri thức dựa trên công nghệ sáng tạo.
Từ góc độ của Viện Tin học Doanh nghiệp, ông Lợi cũng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa đến nhiều cơ hội song cũng buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức.
Cụ thể, theo ông Lợi, sự phát triển của Internet và IoT mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội tích hợp để làm cho mọi thứ trở nên thông minh hơn trong những lĩnh vực như: giao thông vận tải, nông nghiệp công nghệ cao, quản trị chăm sóc y tế, quản lý hạ tầng đô thị, quản trị du lịch… Với việc ứng dụng các công nghệ mới, doanh nghiệp có thể nâng cao được chất lượng, điều chỉnh được giá cả cho phù hợp với giá trị hàng hóa và nhờ đó có thể cạnh tranh, đánh bại những đối thủ lớn khác với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Điều này theo ông Lợi được minh chứng rõ ở sự thắng thế, “vượt mặt” của những startup công nghệ như Facebook, Google, Grab, Uber, AirBnB... trước các doanh nghiệp truyền thống từng thống lĩnh thị trường một thời gian dài.
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội, ông Lợi cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng có thể sẽ tạo ra hàng loạt nguy cơ, thách thức lớn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhận thức chậm hoặc không theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng này. “Các cuộc cách mạng công nghiệp trước thường kéo dài hàng thập kỷ, vì thế Chính phủ và các doanh nghiệp có thể thích ứng dần, thực hiện xây dựng hệ thống đào tạo, tổ chức lại thị trường…; còn với quy mô và tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ các nước sẽ đối mặt với các nguy cơ mới về CNTT và sự bất bình đẳng trong xã hội; các doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường ngày càng bị thu hẹp”, ông Lợi nhận định.
Vị Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp còn dự báo, sau khoảng từ 5 - 10 năm nữa, các nước kém phát triển sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường, bị phụ thuộc công nghệ và các lao động phổ thông sẽ bị thất nghiệp.
Đồng quan điểm với ông Lợi, trong tham luận “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp công nghệ cao” được trình bày tại hội nghị G9 lần thứ nhất của Cộng đồng IOCV diễn ra ngay sự kiện ra mắt, ông Dương Thành Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông - VNPT Technology nhận định, bên cạnh những cơ hội như: giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, khai thác được tối đa nguồn dữ liệu phục vụ cộng đồng, thay đổi phương thức tiêu dùng, giảm thời gian tiếp cận thông tin sản phẩm và dịch vụ; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hạt nhân là công nghệ IoT cũng đặt ra nhiều thách thức, đó là: nguy cơ phá vỡ cân bằng của thị trường lao động, áp lực cạnh tranh, năng lực làm chủ CNTT đối với hệ thống quản lý, biến động trong đời sống xã hội và thách thức về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Quan trọng nhất là truyền thông nâng nhận thức cộng đồng
Đề cập đến giải pháp để các doanh nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hạt nhân là IoT, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology Nguyễn Thành Long cho rằng, cần phải có sự chung sức của cả cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển IoT làm nền tảng cho sự thành công của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Nhiều người cùng xúm tay vào làm thì việc khó cũng sẽ thành việc dễ. Bí quyết của thế giới hiện đại chính là chia sẻ và cộng tác tự nguyện”, ông Long nói.
Còn theo đại diện lãnh đạo Viện Tin học Doanh nghiệp, việc quan trọng đầu tiên cần quan tâm triển khai chính là phải truyền thông rộng rãi để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và cả những người làm cơ chế, chính sách về cuộc cách mạng công nghiệp công nghiệp lần thứ tư, về công nghệ IoT.
Bởi lẽ, kinh nghiệm của Viện Tin học Doanh nghiệp trong các lần làm đầu mối thúc đẩy ứng dụng chữ ký số hay phát triển thương mại điện tử đã chỉ ra rằng, khó nhất là làm sao để cho người dùng, doanh nghiệp hiểu và khi họ đã hiểu, đã nhận thức được thì việc triển khai sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Trong kế hoạch hoạt động của Cộng đồng IOCV năm 2017, cùng với việc tổ chức hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và IoT, tổ chức Talk Show về IoT, tổ chức IoT Day, các thành viên Cộng đồng cũng thống nhất sẽ triển khai khảo sát, điều tra khoảng 1.000 doanh nghiệp về thị trường IoT; mô phỏng 3 vấn đề IoT và tổ chức test kết quả 3 vấn đề IoT đã được mô phỏng; xây dựng Trung tâm IoT (tư vấn, hỗ trợ), đồng thời tổ chức hội nghị G9 lần thứ hai.
Tại Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày đầu tiên của năm nay, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động đến kinh tế nước ta và đề xuất cơ chế, chính sách tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mới đây, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 được ban hành ngày 7/3/2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN hoàn thiện báo cáo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2017.