Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong cuộc CMCN 4.0
Chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nôi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) có sức ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Đó là việc thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng trí thức, dữ liệu, thay đổi toàn bộ mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ cơ chế trung gian, kết nối trực tiếp…, đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng, hành vi ứng xử của toàn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều thành viên Chính phủ và Quốc hội tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”. Ảnh: Trọng Đạt |
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường nếu có thể ứng dụng một cách hiệu quả công nghệ lõi của CMCN 4.0 như Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây… nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội.
Những công nghệ tiên tiến cùng với chất lượng nguồn nhân lực, năng lực thể chế sẽ quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để giúp Việt Nam phát triển đột phá, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
Đứng trước cơ hội này, thời gian qua Việt Nam đã có một số thành công đáng khích lệ. Theo đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng, dẫn đầu nhóm quốc gia tăng trưởng trung bình. Việt Nam còn nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ dân số dùng Internet cao trên thế giới. Tỷ lệ người dân dùng Internet tại Việt Nam là 66%, trong khi đó ở Châu Á, tỷ lệ này mới chỉ đạt 48%.
Việt Nam cũng đứng thứ 4 ASEAN về tốc độ Internet, chỉ sau Thái Lan, Singapore và Malaysia, đứng thứ 3 ASEAN về tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh, đứng thứ 2 ASEAN về tốc độ tăng trưởng về thanh toán qua điện thoại di động.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nguồn lực tăng trưởng của Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng tích cực. Với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một số doanh nghiệp công nghệ đã có bước tăng trưởng ngoạn mục và trở thành những thương hiệu có uy tín như Viettel, VNPT, Vingroup, FPT, VNG…
Hoàn thiện thể chế, chính sách là yêu cầu bắt buộc của CMCN 4.0
Tại Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong kỷ nguyên của cuộc CMCN 4.0. Đó là trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với phát triển ứng dụng vào đời sống xã hội, sản xuất.
Không chỉ vậy, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Các hoạt động nghiên cứu phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn ít, thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, viện nghiên cứu, lực lượng lao động chất lượng cao còn hạn chế. Việt Nam cũng chưa tìm ra cách tiếp cận hiệu quả, chưa xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực nhằm tận dụng cơ hội đến từ cuộc CMCN 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhiều góc nhìn của mình về những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi tiến vào kỷ nguyên của cuộc CMCN 4.0. Ảnh: Trọng Đạt |
“Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến, trí tuệ, lực lượng nhân lực công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phá và dễ tụt lại phía sau” , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một trong những yêu cầu cấp bách của CMCN 4.0 là xây dựng và hoàn thiện thể chế, cùng với chính sách pháp luật. Trước hết, chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang biến những vấn đề pháp lý quốc tế thành vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại.
Điển hình là cơ chế pháp luật để điều chỉnh các mô hình kinh tế chia sẻ, quyền sở hữu đối với tài sản mã hóa, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo,...
Mới đây, Facebook đã công bố chuẩn bị phát hành tiền điện tử Libra. Hoạt động này được nhiều tổ chức thanh toán và công ty công nghệ lớn hỗ trợ. Những vấn đề này tác động trực tiếp tới chúng ta, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách kịp thời và giải pháp pháp lý phù hợp.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một trong những vấn đề tiên phong mà Việt Nam cần phải giải quyết chính là cải cách thể chế để theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt |
Thủ tướng khẳng định, tới đây sẽ có những chỉ đạo mang tầm chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh CMCN lần thứ tư để hướng tới một Việt Nam số. Trong đó tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT vào việc thay đổi không ngừng để thích nghi với môi trường số hoá.
Để xây dựng hạ tầng số hoá, nền tảng tài nguyên số, hệ sinh thái kinh tế dịch vụ số thì thể chế chính sách số là một nhiệm vụ quan trọng và tiên phong. Đó là khung pháp lý số quốc gia, pháp luật về thương mại điện tử, an toàn thông tin, chủ quyền số, bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân, sở hữu trí tuệ,...
Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tốc độ thiết kế và thực thi hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật để có thể phát huy được năng lực sáng tạo, chủ động của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác trong kinh tế số và xã hội số. Đây chính là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân.
Trọng Đạt