Cuộc tấn công mạng sử dụng mã độc tống tiền quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 110.000 máy tính bị lây nhiễm trên 99 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, đã diễn ra ngày 12/5/2017 bởi một loại mã độc tống tiền được biết tới là WannaCry. Cuộc tấn công này cho thấy thách thức an ninh an toàn CNTT ngày càng trở thành vấn đề trọng yếu, nhất là khi các doanh nghiệp bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0)

Mã độc tống tiền là loại mã độc khi thâm nhập vào thiết bị, máy tính của người dùng hoặc máy tính trong hệ thống doanh nghiệp sẽ tự động mã hoá hàng loạt các tập tin theo những định dạng mục tiêu như văn bản tài liệu, hình ảnh... và người dùng, doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản tiền không hề nhỏ nếu muốn lấy lại các dữ liệu đó. Ransomware (mã độc tống tiền) đã được nhiều chuyên gia về an ninh mạng cảnh báo sẽ là nguy cơ đe dọa lớn nhất trong năm 2017. Theo ông Hà Thế Phương, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm dịch vụ bảo mật CMC Infosec, CMC coi ransomware là một loại tội phạm mới và là mối nguy hại rất lớn cho các nạn nhân. Loại mã độc này chính là nguồn cung cấp tiền nhanh cho bên tội phạm, khi ransomware tấn công chúng làm cho nạn nhân lo sợ vì nạn nhân cảm thấy dữ liệu mình đang sở hữu sẽ bị mất đi. Thường 90% nạn nhân bị tấn công đánh cắp dữ liệu chấp nhận trả tiền cho kẻ tấn công, hành động này vô hình chung nối tay cho kẻ tấn công có động lực để tiếp tục phát tán lây nhiễm mã độc cho các nạn nhân khác, một mặt khác khi mà trả tiền để lấy lại dữ liệu chưa chắc nạn nhân đã được trả lại dữ liệu an toàn.

Trong thông tin khuyến cáo người dùng cẩn trọng với mã độc tống tiền WannaCry, cùng với việc xác nhận thông tin các hệ thống bảo mật của Kaspersky đã phát hiện được ít nhất 45.000 cuộc tấn công tại 74 quốc gia, trong đó phần lớn xảy ra tại Nga, hãng bảo mật này cũng cho biết mã độc tống tiền WannaCry lây nhiễm vào máy tính của nạn nhân bằng cách khai thác lỗ hổng của Microsoft Windows được mô tả và vá lỗi tại Microsoft Security Bullentin MS17-010.

Theo ông Lê Chí Dũng, Giám đốc sáng tạo kiêm Chánh văn phòng viện nghiên cứu ứng dụng của Tập đoàn CMC, cách mạng 4.0 đang hứa hẹn sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người, với những mô hình lớn như Smart City, Smart Home, Smart company ngày càng được nhắc đến rất nhiều. Việc gọi taxi, đặt vé máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim hay chơi trò chơi đều có thể thực hiện từ xa. Điều này có nghĩa với mọi thông tin của chúng ta đề được phơi bày trên mang, như thói quen mua sắm, ăn uống ở đâu, thích làm gì, chơi gì thậm chí là nghĩ gì. Chính vì thế vấn để bảo mật ngày càng trở lên nhức nhối khi bước vào Cách mạng 4.0.

Vào tháng 9/2016 những cuộc tấn công mạng lớn chưa từng có bằng phương thức DDOS sử dụng thiết bị kết nối Internet of Things liên tiếp xảy ra, nhất là các cuộc tấn công vào hệ thống thông tin hàng không là lời cảnh báo rõ ràng nhất về nguy cơ mất an toàn thông tin. Với những nguy cơ từ bảo mật trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp Việt Nam kể cả doanh nghiệp CNTT và các doanh nghiệp kinh doanh đặc thù như ngân hàng, cần chú ý nhiều hơn đến các biện pháp gia tăng phòng ngừa. Với các doanh nghiệp công nghệ như CMC bảo mật và quản trị rủi ro là những nhân tố trọng yếu. Chúng ta cần nhận ra những cơ hội và thách thức từ chiến tranh mạng để có thể chuẩn bị năng lực ngay từ bây giờ.