Theo tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nằm trong chuỗi các buổi làm việc kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 giữa Bộ KH&CN và các Bộ, Ngành, ngày 15/11/2017, Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với Bộ GTVT.
Báo cáo về tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 của ngành GTVT, Vụ KH&CN Bộ này cho biết, Bộ đã triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về CMCN 4.0 nhằm nhận diện, đánh giá tác động và cơ hội đối với việc phát triển ngành, phát triển doanh nghiệp, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Trong quá trình xây dựng kế hoạch KH&CN năm 2018, Bộ GTVT đã bắt đầu giao các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ để các đơn nghiên cứu, tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 trong từng lĩnh vực do mình phụ trách. Bên cạnh đó, Bộ GTVT định hướng sẽ ưu tiên nội dung nghiên cứu, hỗ trợ, triển khai ứng dụng các công nghệ của CMCN4.0 đối với doanh nghiệp ngành GTVT bắt đầu từ năm 2018.
Để tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0, Bộ GTVT đã tăng cường công tác trao đổi trong và ngoài nước như phối hợp, tham gia, tổ chức các hội thảo với các cơ quan, tổ chức quốc tế tổ chức thành công các hội thảo liên quan đến về CMCN 4.0, GTVT trong các thành phố thông minh.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Viện Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho rằng, không chỉ đến bây giờ, ngành GTVT mới tiếp cận với những công nghệ liên quan đến CMCN 4.0. Các công nghệ này đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực như đường sắt, hàng không, đường thủy... có chăng là cách gọi có khác đi như công nghệ thông tin, tự động hóa... Ví dụ, tính đến ngày 29/8/2017, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 129/145 đạt tỷ lệ 88,96%, trong đó có 80 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực hàng không, 49 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực đường bộ.
Để rút ngắn thời gian kiểm tra chất lượng phương tiện, thiết bị nhập khẩu, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đã áp dụng phương thức kiểm tra, đánh giá tại nguồn (kiểm tra tại nước xuất khẩu) đối với các sản phẩm xe cơ giới, tàu biển và vật liệu, trang thiết bị dùng cho tàu biển và công trình biển đồng thời đang triển khai dịch vụ công trực tuyến cho chứng nhận xe cơ giới nhập khẩu, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.
Một kết quả cũng rất đáng ghi nhận đó là Bộ đã xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải và cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô. Đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô đã chính thức triển khai sử dụng tại 59/63 Sở GTVT. Tính đến ngày 14/9/2017 đã có 51.782 hồ sơ thực hiện theo hình thức trực tuyến, hoàn thành giải quyết 47.484 hồ sơ (đạt tỷ lệ trên 92%)…
Ngoài ra, Bộ GTVT đang xây dựng Đề cương “Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, hiện nay Bộ TT&TT đang thẩm định nội dung Đề cương Đề án trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Triển khai Đề án nói trên sẽ là tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục phát triển mạnh mẽ ứng dụng KH&CN hiện đại trong sản xuất và công tác quản lý Nhà nước của ngành GTVT.